Trong quan hệ pháp luật Việt Nam, luật Hình sự là một ngành luật độc lập quy định về tội phạm, xác định hình phạt với các tội phạm nhằm đấu tranh chống tội phạm, loại trừ mọi hành vi nguy hiểm cho xã hội. Nhà nước là chủ thể có quyền buộc người phạm tội có nghĩa vụ pháp lý phải thực hiện trách nhiệm hình sự, chấp hành hình phạt và việc chấp hành này không thể tránh khỏi vì nó được bảo đảm bằng cưỡng chế của nhà nước.
Quy phạm pháp luật hình sự đã xác định những hành vi nào bị coi là tội phạm và hình phạt tương ứng với tội phạm đó. Bên cạnh đó, để thể hiện sự đúng người, đúng tội và sự khoan hồng của nhà nước, pháp luật đã quy định những biện pháp, hình phạt giảm nhẹ với chế tài kèm theo. Hai trong số những chế tài đó khiến mọi người dễ nhầm lẫn, đó chính là “ án treo “ và “ miễn chấp hành hình phạt “.
Miễn chấp hành hình phạt
Theo pháp luật Hình sự Việt Nam, miễn chấp hành hình phạt được hiểu là không bắt buộc người bị kết án phải chấp hành toàn bộ hoặc phần còn lại của hình phạt mà bị cáo đã bị tuyên án. Người được miễn chấp hành hình phạt tuy được miễn chấp hành hình phạt nhưng vẫn phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ dân sự do tòa án tuyên trong bản án ( nếu có ).
Đây là một trong những chế định thể hiện chính sách nhân đạo của nhà nước đối với người bị kết án có hoàn cảnh đặc biệt. Luật Hình sự Việt Nam không chỉ nhằm mục đích răn đe mà còn nhằm mục đích giáo dục. Với việc miễn chấp hành hình phạt có thể khuyến khích tạo điều giúp người bị kết án cố gắng lập công chuộc tội để được hưởng sự khoan hồng của Nhà nước.
Quy định tại Điều 62 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 cho thấy được nhưng điều kiện được miễn hoặc có thể được miễn chấp hành hình phạt; miễn chấp hành toàn bộ hình phạt hoặc là miễn chấp hành phần còn lại của hình phạt đã được toàn án tuyên.
Án treo
Một trong những chế định pháp lí hình sự ra đời từ rất sớm đó chính là án treo. Theo quy định của pháp luật, án treo được hiểu là biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện. Trong thời gian áp dụng án treo, đã có thời gian pháp luật Hình sự Việt Nam coi án treo là hình phạt nhẹ hơn hình phạt tù. Bộ luật Hình sự hiện nay, án treo được coi là biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện.
Án treo thể hiện tính nhân đạo của pháp luật Hình sự Việt Nam, tạo tiền đề giúp người bị kết án tự cải thiện bản thân và tham gia vào lao động tại cộng đồng. Nhờ đó, họ có thể có sự giúp đỡ tích cực từ xã hội cũng như gia đình. Tuy nhiên trong thời gian thử thách ,họ sẽ không được phạm tội mới nếu không sẽ buộc phải chấp hành hình phạt tù đã tuyên.
Căn cứ để được hưởng án treo
Căn cứ về mức hình phạt tù
Căn cứ đầu tiên để tòa án xem xét điều kiện để được hưởng án treo, đó chính là mức hình phạt tù. Những người phạm tội bị tòa án phạt tù không quá 03 năm bất kể tội danh nào đều có thể được xem xét hưởng án treo.
Căn cứ về nhân thân
Nhân thân cũng là một trong những căn cứ quan trọng của quyết định hình phạt mà còn là căn cứ cần thiết để xem xét người phạm tội với điều kiện có thể có khả năng tự cải tạo, giáo dục hay không. Người có nhân thân tốt, được chứng minh là trước khi phạm tội danh này, họ luôn thực hiện đầy đủ nghĩa vụ, trách nhiệm của bản thân đối với các quy định của pháp luật . Họ không vi phạm các điều mà pháp luật cấm. Đối với trường hợp người phạm tội có án tích nhưng đã được xóa án tích, đã hết thời hạn bị xử lí vi phạm hành chính, kỉ luật, thì đều được coi là chưa bị. Tuy nhiên, việc cho hưởng án treo với những trường hợp này phải hết sức chặt chẽ.
Căn cứ vào yếu tố nhiều tình tiết giảm nhẹ
Các tình tiết giảm nhẹ được xem xét cho hưởng án treo là những tình tiết được quy định tại Khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017. Đây là những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, và tòa án chỉ cho hưởng án treo đối với một số trường hợp sau.
+ Không có tình tiết tăng nặng TNHS quy định tại Khoản 1 Điều 52 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 và có từ 02 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự trở lên trong đó ít nhất phải có 01 tình tiết thuộc tại Khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017;
+ Trường hợp có 01 tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự thì phải có từ 03 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự trở lên. Trong đó có ít nhất 02 tình tiết giảm nhẹ được quy định tại khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017.
Người phạm tội thuộc trường hợp không cần bắt chấp hành hình phạt tù
Trên thực tế, tòa án khi áp dụng án treo chủ yếu dựa vào 03 căn cứ nêu trên. Từ đó đưa ra kết luận về khả năng tự cải tạo của người bị kết án với điều kiện khách quan là gia đình và xã hội. Người phạm tội thuộc trường hợp được hưởng án treo phải là người mà xét thấy họ có thực sự có khả năng hoàn lương không có nguy cơ tái phạm. Ngoài những căn cứ trên, người phạm tội phải không thuộc những trường hợp không cho hưởng án treo theo quy định của pháp luật Hình sự.