Có rất nhiều người không có bằng lái xe nhưng vẫn tham gia giao thông. Điều này có thể gây nguy hiểm cho chính các bạn và những người tham gia giao thông khác. Tuỳ vào mức độ vi phạm và mức độ nguy hiểm mà tai nạn gây ra, người không có bằng lái xe có thể chịu những hình phạt khác nhau từ xử phạt hành chính cho đến thậm chí phạt tù.
Phạt tù đến 15 năm
Người tham gia giao thông không có bằng lái xe gây tai nạn nghiêm trọng như sau có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ:
- Làm chết người;
- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
- Gây thiệt hại về tài sản từ 200 – 500 triệu…
Không có giấy phép lái xe có thể bị áp dụng như là một hình phạt tăng nặng phạt tù từ 03 – 10 năm.
Nặng nhất là phạt tù từ 07 – 15 năm nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Làm chết 03 người trở lên;
- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
- Gây thiệt hại về tài sản 1,5 tỷ đồng trở lên.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 – 05 năm.
Phạt hành chính
Điều 21 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định về mức phạt đối với người tham gia giao thông không có Giấy phép lái xe như sau:
Mức phạt | Dung tích xi lanh |
800.000 – 1,2 triệu đồng | xe máy có dung tích xi lanh dưới 175 cm3; |
03 – 04 triệu đồng | Xe máy từ 175 cm3 trở lên; |
04 – 06 triệu đồng | ô tô |
Bồi thường thiệt hại
Có một số trường hợp gây tai nạn chết người không phải ngồi tù, tuy nhiên vẫn phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
Theo Điều 601 Bộ luật Dân sự 2015, các phương tiện giao thông vận tải cơ giới là những nguồn nguy hiểm cao độ khi gây thiệt hại thì có trách nhiệm bồi thường. Kể cả khi không có lỗi, trừ trường hợp thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hai; Thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng và tình thế cấp thiết.
Điều 589 Bộ luật Dân sự quy định, thiệt hại do tài sản bị xâm phạm gồm có:
- Tài sản bị mất, bị huỷ hoại hoặc bị hư hỏng;
- Lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất, bị giảm sút;
- Chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại;
- Thiệt hại khác do luật quy định.
Trường hợp gây tai nạn ảnh hưởng tới sức khỏe, tính mạng, căn cứ Điều 591 Bộ luật Dân sự để xử phạt.
Trên đây là toàn bộ những mức xử phạt đối với những người tham gia giao thông mà không có bằng lái xe gây tai nạn. Chúc các bạn tham gia giao thông an toàn và đúng luật.