Ngân hàng Nhà nước quy định tỷ lệ dự trữ bắt buộc, lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc, lãi suất tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc đối với từng loại hình tổ chức tín dụng và từng loại tiền gửi tại tổ chức tín dụng theo mục tiêu chính sách tiền tệ quốc gia trong từng thời kỳ.
Dự trữ bắt buộc là gì :
Dự trữ bắt buộc là số tiền mà các tổ chức tín dụng hoạt động tại Việt Nam phải duy trì trên tài khoản thanh toán tại Ngân hàng Nhà nước. Đối với dự trữ bắt buộc bằng Đồng Việt Nam, được duy trì trên tài khoản thanh toán tại Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước và các chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh thành phố. Đối với dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ, được duy trì trên tài khoản thanh toán tại Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước.
Nội dung chế độ dự trữ bắt buộc đối với các Tổ chức tín dụng được pháp luật quy định :
Căn cứ pháp luật :
Ngày 17 tháng 12 năm 2015, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Văn bản hợp nhất – Quyết định số 10/VBHN-NHNN về Quy chế dự trữ bắt buộc đối với các TCTD; áp dụng đối với các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thành lập và hoạt động theo Luật các TCTD
Nội dung chế độ dự trữ bắt buộc :
+ Dự trữ bắt buộc được tính toán trên cơ sở số dư tiền gửi huy động bình quân của từng loại tiền gửi phải dự trữ bắt buộc tại Hội sở chính và các chi nhánh của TCTD trong kỳ xác định dự trữ bắt buộc và tỷ lệ dự trữ bắt buộc tương ứng được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định trong từng thời kỳ.
+ Tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với từng loại hình TCTD và từng loại tiền gửi do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định tùy thuộc vào mục tiêu chính sách tiền tệ trong từng thời kỳ.
+ Đối với TCTD được kiểm soát đặc biệt ( kiểm soát thông qua hoạt động kiểm soát hàng ngày của TCTD ) , Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xem xét quyết định giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc cho TCTD đến mức tối thiểu 0%. Đối với TCTD đang thực hiện phương án cơ cấu lại đã được phê duyệt, TCTD tham gia cơ cấu lại TCTD yếu kém theo chỉ định, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xem xét quyết định giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc cụ thể cho từng TCTD
Các nguyên tắc :
Các tổ chức tín dụng phải duy trì đầy đủ dự trữ bắt buộc tại Ngân hàng Nhà nước trong kỳ duy trì dự trữ bắt buộc theo nguyên tắc sau:
- Số dư bình quân tài khoản thanh toán của tổ chức tín dụng tại Ngân hàng Nhà nước không thấp hơn tiền dự trữ bắt buộc trong kỳ.
- Số dư tài khoản thanh toán của tổ chức tín dụng tại Ngân hàng Nhà nước hàng ngày trong kỳ duy trì dự trữ bắt buộc có thể thấp hơn hoặc cao hơn tiền dự trữ bắt buộc của kỳ đó.
Hình thức xử lý các Tổ chức tín dụng vi phạm chế độ dự trữ bắt buộc :
Ngân hàng Nhà nước áp dụng các hình thức, biện pháp xử lý đối với Tổ chức tín dụng thiếu dự trữ bắt buộc theo quy định pháp luật hiện hành về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng và quy định pháp luật khác có liên quan.
Trong vòng 3 ngày làm việc đầu tháng, Hội sở chính TCTD có trách nhiệm báo cáo cho Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước, chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố nơi TCTD đặt trụ sở chính về số dư tiền gửi huy động bình quân phải dự trữ bắt buộc của tổ TCTD trong kỳ xác định dự trữ bắt buộc làm cơ sở tính toán dự trữ bắt buộc của kỳ duy trì dự trữ bắt buộc (Kỳ duy trì dự trữ bắt buộc là khoảng thời gian của tháng hiện hành kể từ ngày 01 đầu tháng đến hết ngày cuối cùng của tháng).