Tranh chấp thương mại là các tranh chấp diễn ra giữa các thương nhân trong quá trình thực hiện hoạt động sản xuất kinh doanh nhằm mục đích sinh lời. Theo quy định tại Điều 317 Luật thương mại 2005 có 4 hình thức giải quyết tranh chấp thương mại bao gồm: thương lượng, hòa giải, trọng tài, tòa án. Bài viết sẽ nói thêm về Trọng tài và Tòa án.
Trọng tài thương mại
Trọng tài là hình thức giải quyết tranh chấp thương mại mà các bên thỏa thuận đưa vụ tranh chấp ra trọng tài viên hoặc hội đồng trọng tài xem xét đưa ra phán quyết ràng buộc các bên tranh chấp. Để hai bên có thế giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thì phải có thỏa thuận trọng tài có hiệu lực và không thuộc các trường hợp thỏa thuận trọng tài không thực hiện được theo quy định của Luật Trọng tài thương mại. Có hai hình thức trọng tài là trọng tài theo vụ việc (trọng tài ad hoc) và trọng tài thường trực (trọng tài quy chế).
Ưu điểm: Các bên được đảm bảo tối đa quyền tự do định đoạt, thủ tục nhanh chóng, ngắn gọn hơn giải quyết bằng tòa án, độc lập, giải quyết độc lập khách quan, xét xử không công khai của trọng đảm bảo bí mật kinh doanh cho doanh nghiệp, phán quyết của trọng tài là phán quyết chung thẩm, không bị kháng cáo kháng nghị, trọng tài viên là những người có kiến thực chuyên môn cao và nhiều kinh nghiệm trong giải quyết tranh chấp thương mại.
Nhược điểm: Hiệu quả thi hành án trong giải quyết tranh chấp bằng trọng tài chưa cao, chi phí cho một việc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thường rất cao, phán quyết chung thẩm nhưng có thể bị tòa án xem xét hủy.
Tòa án
Phương thức giải quyết tranh chấp thương mại này sẽ do cơ quan tài phán nhà nước cụ thể là tòa án thực hiện. Thông thường hai bên sẽ đưa vụ tranh chấp ra tòa án giải quyết sau khi thương lượng, hòa giải không thành và hai bên không có thỏa thuận trọng tài hoặc thỏa thuận trọng tài vô hiệu hoặc các bên có thỏa thuận khác.
Ưu điểm của giải quyết tranh chấp bằng tòa án: Phương pháp này có một số ưu điểm nhưu: trình tự thủ tục tố tụng chặt chẽ, hiệu lực phán quyết có tính cưỡng chế cao, nguyên tắc xét xử công khai nên đảm bảo tính minh bạch khách quan nhất trong các phương thức giải quyết tranh chấp, chi phí giải quyết tranh chấp ở tòa án rất hợp lý.
Nhược điểm của giải quyết tranh chấp thương mại bằng tòa án: Phương pháp này có một số khuyết điểm đặc thù là: phán quyết của tòa án thường bị kháng cáo dẫn tới việc quá trình tố tụng bị kéo dài thậm chí bị trì hoãn khiến doanh nghiệp bị ảnh hưởng rất lớn, nguyên tắc xét xử công khai có thể khiến doanh nghiệp bị giảm uy tín trên thương trường và dễ bị tiết lộ các bí mật kinh doanh, đối với các tranh chấp có tính chất quốc tế thì phán quyết của tòa án rất khó được thừa nhận do phán quyết của tòa án có tính lãnh thổ.
Về mối quan hệ giữa trọng tài và tòa án
Pháp luật Việt Nam quy định: một khi các bên đã thỏa thuận việc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại thông qua một thỏa thuận trọng tài có hiệu lực, thì khi đó tòa án phải từ chối thụ lý đơn khởi kiện khi một trong các bên khởi kiện tại tòa án để giải quyết tranh chấp (Điều 6 Luật trọng tài thương mại 2010). Như vậy, quy định này đã phân chia thẩm quyền giải quyết tranh chấp thương mại của tòa án và trọng tại. Theo đó, ưu tiên thẩm quyền của trọng tài thương mại. Tuy vậy, mặc dù không trực tiếp giải quyết, nhưng tòa án vẫn đóng vai trò hỗ trợ và giám sát hoạt động giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại khi một trong các bên hoặc Hội đồng trọng tài có yêu cầu. Cụ thể như trọng tài có thể yêu cầu tòa án ra các biện pháp ngăn chặn để bảo đảm cho quyền lợi các bên trong tranh chấp, có thể yêu cầu tòa án công nhận phán quyết trọng tài và từ đó làm cơ sở để yêu câu cơ quan thi hành án thực hiện phán quyết trọng tài. Ngoài ra, tòa án có thể tuyên vô hiệu với một phán quyết trọng tài trong một số trường hợp theo pháp luật quy định.
Như vậy, tòa án và trọng tài là hai hình thức giải quyết tranh chấp thương mại phổ biến nhất hiện nay. Hai phương thức này có những ưu điểm và khuyết điểm riêng biệt.