Điều 5 Luật công chứng 2014 quy định về Giá trị pháp lý của văn bản công chứng như sau:
“1. Văn bản công chứng có hiệu lực kể từ ngày được công chứng viên ký và đóng dấu của tổ chức hành nghề công chứng.
2. Hợp đồng, giao dịch được công chứng có hiệu lực thi hành đối với các bên liên quan; trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ của mình thì bên kia có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp các bên tham gia hợp đồng, giao dịch có thỏa thuận khác.
3. Hợp đồng, giao dịch được công chứng có giá trị chứng cứ; những tình tiết, sự kiện trong hợp đồng, giao dịch được công chứng không phải chứng minh, trừ trường hợp bị Tòa án tuyên bố là vô hiệu.
4. Bản dịch được công chứng có giá trị sử dụng như giấy tờ, văn bản được dịch”.
Chúng ta có thể nhìn nhận theo cách hiểu phổ thông hơn đó là, trong các giao dịch đơn thuần giữa các bên về dân sự cũng như trong hoạt động kinh doanh, thương mại, do sự thiếu am hiểu luật pháp, thiếu thông tin về tình trạng pháp lý của các đối tượng giao dịch của một hoặc cả hai bên… sẽ khiến cho các giao dịch chứa đựng rất nhiều rủi ro, dẫn đến những hậu quả bất lợi, những tranh chấp xâm hại đến quyền lợi ích của các bên tham gia giao dịch và cũng đẩy gánh nặng về phía cơ quan chức năng trong việc giải quyết những hậu quả này.