Chúng tôi xin được trả lời câu hỏi trên như sau:
Về phạm vi công chứng, chứng thực:
Điều 5 Luật công chứng 2014 quy định: “1. Văn bản công chứng có hiệu lực kể từ ngày được công chứng viên ký và đóng dấu của tổ chức hành nghề công chứng.
- Hợp đồng, giao dịch được công chứng có hiệu lực thi hành đối với các bên liên quan; trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ của mình thì bên kia có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp các bên tham gia hợp đồng, giao dịch có thỏa thuận khác.
- Hợp đồng, giao dịch được công chứng có giá trị chứng cứ; những tình tiết, sự kiện trong hợp đồng, giao dịch được công chứng không phải chứng minh, trừ trường hợp bị Tòa án tuyên bố là vô hiệu.
- Bản dịch được công chứng có giá trị sử dụng như giấy tờ, văn bản được dịch”.
Điều 3 Nghị định 23/2015/NĐ-CP quy định:
“1. Bản sao được cấp từ sổ gốc có giá trị sử dụng thay cho bản chính trong các giao dịch, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
- Bản sao được chứng thực từ bản chính theo quy định tại Nghị định này có giá trị sử dụng thay cho bản chính đã dùng để đối chiếu chứng thực trong các giao dịch, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
- Chữ ký được chứng thực theo quy định tại Nghị định này có giá trị chứng minh người yêu cầu chứng thực đã ký chữ ký đó, là căn cứ để xác định trách nhiệm của người ký về nội dung của giấy tờ, văn bản.
- Hợp đồng, giao dịch được chứng thực theo quy định của Nghị định này có giá trị chứng cứ chứng minh về thời gian, địa điểm các bên đã ký kết hợp đồng, giao dịch; năng lực hành vi dân sự, ý chí tự nguyện, chữ ký hoặc dấu điểm chỉ của các bên tham gia hợp đồng, giao dịch.”
Như vậy, phạm vi của công chứng là hợp đồng, giao dịch, bản dịch. Còn phạm vi của chứng thực là chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch (về thời gian, địa điểm, năng lực hành vi dân sự, chữ ký hoặc dấu điểm chỉ của các bên).

Về chủ thể công chứng, chứng thực:
Chủ thể thực hiện hoạt động công chứng là công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng (Phòng công chứng hoặc Văn phòng công chứng). Trong khi, chủ thể chứng thực có thể là Trưởng phòng Tư pháp, Phó trưởng phòng tư pháp, Chủ tịch/Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, Viên chức ngoại giao, Viên chức lãnh sự hoặc công chứng viên củ tổ chức hành nghề công chứng.
Từ những phân tích trên, chúng ta có thể thấy những điểm khác nhau cơ bản giữa hoạt động công chứng và hoạt động chứng thực.