Ngân hàng Nhà nước chỉ được quyền góp vồn mua cổ phần của tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt (trừ tổ chức tín dụng do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ).
Kiểm soát đặc biệt là việc tổ chức tín dụng được đặt dưới sự kiểm soát trực tiếp của Ngân hàng Nhà nước do có nguy cơ mất khả năng chi trả hoặc mất khả năng thanh toán do quản lí, điều hành yếu kém.
Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam 2010 quy định tại Khoản 12 Điều 4 với rất nhiều biện pháp xử lí dành cho Ngân hàng Nhà nước đối với tổ chức tín dụng vi phạm nghiêm trọng quy định của pháp luật về tiền tệ và ngân hàng; có nguy cơ ảnh hưởng đến sự an toàn của hệ thống tài chính, trong đó có biện pháp “mua cổ phần của tổ chức tín dụng”.
Cũng theo quy định tại Điều 149 của luật này thì Ngân hàng Nhà nước có quyền góp vốn mua cổ phần đối với tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt nếu như tổ chức tín dụng đó không thực hiện được các yêu cầu sau: “Ngân hàng Nhà nước có quyền yêu cầu chủ sở hữu tăng vốn, xây dựng, thực hiện kế hoạch tái cơ cấu hoặc bắt buộc sáp nhập, hợp nhất, mua lại đối với tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt, nếu chủ sở hữu không có khả năng hoặc không thực hiện việc tăng vốn.” Khoản 2 Điều 149.
Hoặc khi Ngân hàng Nhà nước xác định số lỗ lũy kế của tổ chức tín dụng đã vượt quá giá trị thực của vốn điều lệ và các quỹ của tổ chức tín dụng được kiển soát đặc biệt được ghi trong báo cáo tài chính đã được kiểm toán gần nhất và việc chấm dứt hoạt động của tổ chức tín dụng sẽ có nguy cơ gây mất an toàn cho hệ thống tổ chức tín dụng theo Khoản 3 Điều 149.
Ngày 01 tháng 08 năm 2013 Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 48/2013/QĐ-TTg về việc góp vốn mua cổ phần bắt buộc của tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ trực tiếp hoặc chỉ định tổ chức tín dụng khác góp vốn, mua cổ phần của tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt theo các quy định giống với quyđịnhtrong Luật các tổ chức tín dụng.
Căn cứ theo các quy định nêu trên thì chúng ta có thể thấy, Ngân hàng Nhà nước có quyền góp vốn mua cổ phần của tổ chức tín dụng và việc góp vốn mua cổ phần của tổ chức tín dụng chỉ khi nào tổ chức tín dụng đó lâm vào tình trạng pháp lý mà phải đặt dưới sự kiểm soát đặt biệt của Ngân hàng Nhà nước, còn trong trương hợp khác thì Ngân hàng Nhà nước không có quyền góp vốn, mua cổ phần của tổ chức tín dụng. Vì việc góp vốn mua cổ phần của Ngân hàng Nhà nước chỉ nhằm mục đích là đảm bảo an toàn cho hệ thống tổ chức tín dụng mà về lâu dài là nhằm đảm bảo an toàn cho hệ thống tài chính của đất nước.