Hợp đồng Licence là việc chủ sở hữu đối tượng sở hữu công nghiệp, giống cây trồng cho phép tổ chức, cá nhân khác sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp, giống cây trồng thuộc phạm vi quyền sử dụng của mình.
Các văn bản pháp lý quy định về Licence bao gồm:
–Bộ Luật Dân sự 2015
– Luật Sở Hữu trí tuệ 2005
– Nghị định số 103/2006/NĐ-CP của Chính phủ ngày 22 tháng 09 năm 2006, hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, có hiệu lực từ tháng 10 năm 2006;
– Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN của Bộ Khoa học và Công nghệ ngày 14 tháng 02 năm 2007, quy định hướng dẫn thực hiện Nghị định số 103/2006/NĐ-CP, có hiệu lực từ tháng 03 năm 2007.
Việc cấp Licence quyền sở hữu trí tuệ có thể thực hiện theo hình thức độc quyền hoặc không độc quyền và phải được thể hiện bằng văn bản.
Theo qui định, hợp đồng Licence phải bao gồm các điều khoản cơ bản sau:
– Tên và địa chỉ đầy đủ của các bên;
– Căn cứ Licence;
– Loại Licence;
– Phạm vi Licence;
– Thời hạn Licence;
– Giá Licence;
– Quyền và nghĩa vụ của các bên.
Ngoài ra, hợp đồng Licence phải có quy định nghĩa vụ của bên nhận ghi chỉ dẫn lên hàng hóa, bao bì hàng hoá về việc hàng hóa đó được sản xuất theo hợp đồng Licence và hợp đồng Licence sáng chế độc quyền phải có quy định nghĩa vụ của bên nhận sử dụng sáng chế theo các cách thức như được pháp luật qui định đối với chủ sở hữu quyền. Hơn nữa, nếu không có sự cho phép của bên giao được quy định trong hợp đồng Licence, bên nhận không được quyền cấp Licence thứ cấp cho bên thứ ba.
Liên quan đến việc đăng ký hợp đồng Licence, quy định rằng hợp đồng Licence có hiệu lực theo sự thỏa thuận giữa các bên nhưng chỉ có hiệu lực đối với bên thứ ba khi đăng ký tại Cục SHTT – NOIP. Bất cứ sự sửa đổi, bổ sung hoặc kết thúc sớm hiệu lực của hợp đồng đã đăng ký phải được ghi nhận tại cơ quan này. Hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp mặc nhiên bị chấm dứt hiệu lực nếu quyền sở hữu công nghiệp của bên giao bị chấm dứt.