Cầm cố và thế chấp là hai biện pháp bảo đảm nghĩa vụ cho hợp đồng được quy định trong bộ luật dân sự 2015. Hai biện pháp này đôi khi bị nhầm lẫn với nhau. Bài viết sẽ nêu một số lưu ý để so sánh hai biện pháp này.
Căn cứ pháp lý
– Cầm cố được quy định tại Điều 309 đến 316 bộ luật dân sự 2015.
– Thế chấp được quy định tại Điều 317 đến 327 bộ luật dân sự 2015.
Cầm cố là gì?
Cầm cố là việc một bên (thường là bên có nghĩa vụ) trong giao dịch dân sự giao tài sản thuộc sở hữu của mình cho bên còn lại (thường là bên có quyền) để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.
Thế chấp là gì?
Thế chấp là việc một bên (bên có nghĩa vụ) dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng mà không giao tài sản cho bên nhận thế chấp (bên có quyền).
Một số điểm giống nhau giữa cầm cố và thế chấp
Thứ nhất, cầm cố và thế chấp đều là biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ được quy định tại bộ luật dân sự 2015.
Thứ hai, mục đích: Hai biện pháp này có mục đích chung là để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của bên có nghĩa vụ đối với bên có quyền trong hợp đồng chính.
Thứ ba, về hình thức: Pháp luật quy định cầm cố và thế chấp tài sản phải được lập thành văn bản. Có thể tách riêng thành một hợp đồng phụ hoặc ghi nhận như một điều khoản của hợp đồng chính.
Thứ tư về hiệu lực: Cầm cố và thế chấp đồng thời có hiệu lực từ thời điểm giao kết trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
Thứ năm, về chấm dứt thỏa thuận cầm cố, thế chấp: Cầm cố, thế chấp đồng thời chấm dứt trong các trường hợp: Nghĩa vụ được bảo đảm bằng cầm cố/thế chấp chấm dứt; việc cầm cố/thế chấp tài sản được hủy bỏ hoặc được thay thế bằng biện pháp bảo đảm khác; tài sản cầm cố/thế chấp đã được xử lý; theo thoả thuận của các bên.
Sự khác nhau cơ bản giữa cầm cố và thế chấp
Thứ nhất, đặc điểm giao tài sản
Đây là sự khác biệt cơ bản để phân biệt cầm cố và thế chấp. Cầm cố là biện pháp bắt buộc có sự chuyển giao tài sản của chủ thể cầm cố cho bên nhận cầm cố để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ. Còn trong thế chấp không có sự chuyển giao tài sản mà chỉ chuyển giao các giấy tờ chứng minh tình trạng pháp lý của tài sản.
Thứ hai, về đối tượng
Cầm cố thường có đối tượng là động sản, các loại giấy tờ có giá như trái phiếu, cổ phiếu,.. Đặc biệt pháp luật quy định tài sản cầm cố phải là tài sản hiện tại có thể chuyển giao tức là đang hiện có, có thể cầm, giữ, định đoạt tại thời điểm thực hiện cầm cố.
Ngược lại, thế chấp có đối tượng là động sản, bất động sản. Đối tượng cũng có thể là tài sản được hình thành trong tương lai, tài sản đang cho thuê cũng như lợi tức thu được từ việc cho thuê tài sản, tài sản thế chấp được bảo hiểm thì khoản tiền bảo hiểm cũng có thể được thế chấp.
Thứ ba, về yêu cầu đăng ký giao dịch bảo đảm và hiệu lực đối khàng với người thứ ba:
Pháp luật quy định cầm cố không yêu cầu phải đăng ký giao dịch bảo đảm trừ đối với cầm cố tàu bay, tàu biển. Biện pháp bảo đảm này có hiệu lực đối kháng với người thứ ba kể từ thời điểm bên nhận cầm cố nắm giữ tài sản cầm cố. Trường hợp cầm cố bất động sản thì việc cầm cố bất động sản có hiệu lực đối kháng với người thứ ba kể từ thời điểm đăng ký. Ngược lai, pháp luật quy định đa số giao dịch thế chấp đều phải đăng ký giao dịch bảo đảm và phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba kể từ thời điểm đăng ký.
Như vậy, cầm cố và thế chấp là hai biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ thường thấy trong đời sống hàng ngày. Hai hình thức này có những đặc điểm giống và khác nhau dựa trên bản chất của chúng.