Phạt vi phạm hợp đồng là một chế tài trách nhiệm dựa trên thỏa thuận của các bên trong hợp đồng với mục đích ngăn cản sự vi phạm hợp đồng và bảo vệ quyền lợi của bên bị vi phạm. Pháp luật Việt Nam có quy định cụ thể về chế tài này như sau:
Căn cứ pháp lý
– Luật thương mại 2005
– Bộ luật dân sự 2015
Phạt vi phạm hợp đồng là gì?
Luật thương mại 2005 Điều 300 có quy định về phạt là một hình thức mà theo đó bên bị vi phạm yêu cầu bên vi phạm trả một khoản tiền (nếu trong hợp đồng có thoả thuận). Bộ luật dân sự 2015 (BLDS 2015) cũng quy định về xử phạt là sự thỏa thuận giữa các bên khi một bên vi phạm nghĩa vụ thì phải nộp một khoản tiền cho bên bị vi phạm.
Như vậy, luật thương mại 2005 và bộ luật dân sự 2015 có quy định tương tự về xử phạt.
Căn cứ phạt vi phạm hợp đồng
Dựa vào định nghĩa, phạt vi phạm hợp đồng phải có các căn cứ sau đây:
Thứ nhất, hợp đồng có hiệu lực. Tức là điều khoản phạt phải dựa trên một hợp đồng có hiệu lực. Hợp đồng có hiệu lực là căn cứ phát sinh các quyền và nghĩa vụ giữa các bên, khi đó mới đặt ra trường hợp một bên vi phạm nghĩa vụ thỏa thuận có hiệu lực đó nên phải nộp một khoản tiền phạt vi phạm. Một hợp đồng vô hiệu sẽ không thể trở thành căn cứ để phát sinh các nghĩa vụ theo hợp đồng và vì thế không xảy ra vấn đề phạt hay bồi thường thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ theo hợp đồng.
Thứ hai, hành vi vi phạm hợp đồng. Đây là căn cứ quan trọng vì bản chất của phạt là chế tài trách nhiệm pháp lý theo hợp đồng. Nói cách khác, nếu không có hành vi phạm sẽ không đặt ra vấn đề xử phạt. Thực tế, hành vi vi phạm hợp đồng rất đa dạng vì có rất nhiều các nghĩa vụ theo hợp đồng như: nghĩa vụ giao hàng theo địa điểm, thời gian, số lượng, chất lượng hàng hóa theo hợp đồng; nghĩa vụ nhận hàng; nghĩa vụ thanh toán đúng giá cả, thời gian,… Việc vi phạm một trong số các nghĩa vụ trên cũng có thể bị coi là vi phạm hợp đồng.
Thứ ba, thỏa thuận phạt vi phạm: Pháp luật quy định xử phạt chỉ được áp dụng khi các bên có thỏa thuận xử phạt. Tuy nhiên, thỏa thuận xử phạt phải được minh thị trong hợp đồng như một điều khoản hơn là việc thỏa thuận miệng. Căn cứ cho lý luận này như sau: Việc xử phạt là chế tài do các bên tự thỏa thuận, tự đặt ra để điều chỉnh quan hệ hợp đồng trong trường hợp có vi phạm nghĩa là các bên chọn luật điều chỉnh. Khi đó, tòa án chỉ giải quyết xử phạt khi có cơ sở cho thấy sự lựa chọn của các bên, khi không có thì tòa án sẽ không giải quyết. Vì vậy, việc đưa điều khoản xử phạt vào hợp đồng là yếu tố đủ để bên bị vi phạm có thể yêu cầu phạt.
Phạt vi phạm hợp đồng và bồi thường thiệt hại
Việc xử phạt và bồi thường thiệt hại là hai chế tài trách nhiệm pháp lý phát sinh từ việc vi phạm nghĩa vụ trong hợp đồng. Tuy nhiên hai chế tài này có mục đích khác nhau. Trong khi việc phạt mang tính ngăn ngừa và răn đe để các hành vi vi phạm hạn chế xảy ra khi giao kết thỏa thuận nhằm bảo vệ lợi ích của các bên và nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi bên khi thực hiện nghĩa vụ thì bồi thường thiệt hại về bản chất hướng tới việc khắc phục hậu quả do hành gây nên; bù đắp thiệt hại vật chất cho bên bị vi phạm. Ngoài ra, bồi thường thiệt hại được áp dụng khi có đủ các căn cứ pháp lý theo luật định, đó là có hành vi vi phạm hợp đồng; có thiệt hại thực tế; có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm hợp đồng và hậu quả. Ngược lại với phạt vi phạm có căn cứ chủ yếu dựa trên thỏa thuận của các bên.
Như vậy, xử phạt là một chế tài trách nhiệm phát sinh trên căn cứ một hợp đồng có hiệu lực, có hành vi vi phạm và các bên có thỏa thuận trong hợp đồng về chế tài xử phạt khi vi phạm.