Đăng ký nhãn hiệu màu hay nhãn hiệu đen trắng là một trong những vấn đề được người nộp đơn quan tâm nhất. Khi tiến hành đăng ký nhãn hiệu, việc lựa chọn đăng ký nhãn hiệu màu hay đăng ký nhãn hiệu đen trắng là một vấn đề mà nhiều người nộp đơn còn băn khoăn. Nhãn hiệu màu và nhãn hiệu đen trắng có một số ưu, nhược điểm khác nhau, do đó sẽ có một số sự khác nhau trong phạm vi bảo hộ mà người nộp đơn cần cân nhắc.
Nhãn hiệu màu là gì?
Nhãn hiệu màu là nhãn hiệu có màu sắc được mô tả chi tiết, được liệt kê các loại màu có trong nhãn hiệu và được nêu cụ thể màu được sử dụng ở các chi tiết của nhãn hiệu. Mẫu nhãn hiệu được sử dụng là các nhãn hiệu được in dưới dạng màu sắc đúng như phần mô tả.
Nhãn hiệu đen trắng là gì ?
Nhãn hiệu đen trắng là nhãn hiệu trong phần liệt kê màu sắc chỉ ghi màu đen và màu trắng. Tuy nhiên, khi mô tả, người nộp đơn chỉ cần liệt kê các chi tiết trong mẫu nhãn hiệu mà không cần chỉ rõ màu sắc của các chi tiết đó. Trên tờ khai đăng ký nhãn hiệu, mẫu nhãn hiệu được sử dụng trong trường hợp này được in đen trắng.
Ưu – nhược điểm: đăng ký nhãn hiệu màu – nhãn hiệu đen trắng
Về cơ bản, một nhãn hiệu được đăng ký ở dạng màu sắc có thể đạt được sự bảo hộ mạnh hơn từ pháp luật, do không những được bảo vệ về mặt nội dung (tức các dấu hiệu hình, chữ,…) mà còn được bảo hộ về cả màu sắc so với nhãn hiệu đen trắng. Việc đăng ký dạng màu sắc này sẽ ngăn chặn các hành vi sử dụng kết hợp màu sắc tương tự gây nhầm lẫn, xâm phạm tới quyền SHTT của chủ sở hữu nhãn hiệu. Tuy nhiên, điểm hạn chế trong dạng đăng ký này đó là chủ sở hữu nhãn hiệu bị giới hạn chỉ được sử dụng nhãn hiệu đúng như mẫu đã đăng ký, tức là bao gồm cả hình, chữ, màu sắc đã liệt kê trên tờ khai.
Mặt khác, ưu điểm của việc đăng ký nhãn hiệu đen trắng đó là chủ sở hữu nhãn hiệu có thể sử dụng nhãn hiệu linh hoạt hơn, dưới nhiều dạng kết hợp màu trên cùng một nền dấu hiệu hình, chữ, tùy vào hoàn cảnh thực tế. Ví dụ, một cửa hàng thời trang sử dụng logo “A”, logo này đăng ký nhãn hiệu dưới dạng đen trắng, thì chủ cửa hàng có thể dùng logo này với đa dạng màu sắc như màu xanh, màu đỏ, màu loang,… Phần ghi nhận về màu sắc trong Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cũng sẽ được bỏ trống, là cơ sở để xác nhận việc chủ sở hữu sử dụng linh hoạt màu sắc mà không vi phạm về quy định sử dụng đúng mẫu nhãn hiệu.
Vì vậy, khi đăng ký nhãn hiệu, chủ đơn cần xác định rõ nhu cầu, điều kiện của mình để lựa chọn bảo hộ nhãn hiệu dưới dạng màu sắc hoặc đen trắng một cách phù hợp. Chủ sở hữu nhãn hiệu hoàn toàn có thể đăng ký cả hai loại nhãn hiệu màu và nhãn hiệu đen trắng để đạt được mức độ bảo hộ tối đa đối với nhãn hiệu của mình, tránh để xảy ra tình trạng đạo nhái, ăn cắp nhãn hiệu với mục đích cạnh tranh không lành mạnh, bất hợp pháp.