Nhãn hiệu đối chứng là các nhãn hiệu được Cục SHTT sử dụng làm căn cứ để từ chối cấp văn bằng bảo hộ đối với các nhãn hiệu đang trong quá trình đăng ký nhãn hiệu. Nhãn hiệu đối chứng bao gồm các nhãn hiệu đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoặc đã có Thông báo dự định cấp văn bằng bảo hộ; hoặc các đơn đăng ký nhãn hiệu có ngày nộp đơn sớm hơn hoặc có ngày ưu tiên sớm hơn; hoặc các đơn đăng ký nhãn hiệu đã hết hiệu lực nhưng chưa quá 05 năm[1].
Ví dụ: Nhãn hiệu ARTEMIS của ông Anton Balog đăng ký bảo hộ cho sản phẩm rượu vang thuộc nhóm 33 vào ngày 29/03/2005, và được Cục SHTT cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu vào 30/07/2007. Đến năm 2013, Công ty Stag’s Leap Wine Cellars, LLC chỉ định đơn đăng ký nhãn hiệu ARTEMIS cho sản phẩm rượu vang thuộc nhóm 33 tại Việt Nam. Nhãn hiệu này đã bị Cục SHTT từ chối đăng ký với lý do trùng với nhãn hiệu ARTEMIS đã được cấp cho ông Anton Balog trước đó.
Căn cứ đánh giá sự trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn
Căn cứ vào điều 39.8.a Thông tư 01/2007/TT-BKHCN ban hành ngày 14 tháng 02 năm 2007, Thẩm định viên sẽ đánh giá dựa trên cấu trúc, nội dung, cách phát (đối với dấu hiệu chữ), ý nghĩa và hình thức thể hiện của dấu hiệu (đối với dấu hiệu chữ và dấu hiệu hình), đồng thời phải tiến hành so sánh hàng hóa, dịch vụ mang dấu hiệu với hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu đối chứng.
Tương tự về cấu trúc
Công ty PEPSICO, INC đã thực hiện đăng ký nhãn hiệu “AQUAFINA” cho sản phẩm nước đóng chai tại Cục SHTT Việt Nam và đã được cấp văn bằng bảo hộ vào năm 2002. Vào năm 2016, Hộ kinh doanh sản xuất nước giải khát Hiệp Dương đã nộp đơn đăng ký nhãn hiệu “AQUAVINA” cho sản phẩm nước đóng chai tương tự với nhãn hiệu của PEPSICO, INC. Chúng ta có thể thấy sự khác biệt duy nhất giữa hai nhãn hiệu là ký tự “F” và “V”, các chữ cái khác được sắp xếp theo đúng trình tự. Vì vậy nhãn hiệu “AQUAVINA” có thể gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng, nên trong trường hợp này, Cục đã từ chối cấp văn bằng bảo hộ cho Hộ kinh doanh sản xuất nước giải khát Hiệp Dương.
Nhãn hiệu của Hộ kinh doanh sản xuất nước giải khát Hiệp Dương | Nhãn hiệu của PEPSICO, INC |
Tương tự về ý nghĩa
Vào năm 2005, Công ty TNHH Quốc tế Mặt Trời Đỏ đã nộp đơn đăng ký nhãn hiệu “REDSUN” cho sản phẩm cà phê và được cấp văn bằng bảo hộ vào ngày 10/08/2006. Công ty liên doanh Phạm – Asset đã nộp đơn đăng ký nhãn hiệu “MẶT TRỜI ĐỎ” cho sản phẩm đồ uống trên cơ sở cà phê tương tự với nhãn hiệu của Công ty TNHH Quốc tế Mặt Trời Đỏ. Trong trường hợp này, cả hai nhãn hiệu đều có sự tương tự về nghĩa do “REDSUN” có nghĩa là “Mặt trời đỏ” trong Tiếng Anh, nên Cục SHTT đã từ chối bảo hộ nhãn hiệu “MẶT TRỜI ĐỎ” của Công ty liên doanh Phạm – Asset.
Nhãn hiệu của Công ty liên doanh Phạm – Asset | Nhãn hiệu của Công ty TNHH Quốc tế Mặt Trời Đỏ |
MẶT TRỜI ĐỎ |
Tương tự về hình thức thể hiện
Sản phẩm nước tinh khiết gắn dấu hiệu “AQUATINA” bị từ chối cấp văn bằng, vì có cách trình bày kiểu chữ “AQUATINA”, đặc biệt với chữ “A” đầu và chữ “A” ở cuối được trình bày nhô cao hơn phần chữ ở giữa, tương tự với cách trình bày kiểu chữ của nhãn hiệu “AQUAFINA”, đồng thời với cách phối màu trắng trên nền nhãn hiệu xanh dương.
Nhãn hiệu của Cơ sở sản xuất nước uống đóng chai Tấn Phát | Nhãn hiệu của PEPSICO, INC |
Tương tự về cách phát âm
Sản phẩm khăn giấy và giấy vệ sinh “COXY” (Cô xi) của chủ đơn Bùi Xuân Bắc bị từ chối cấp văn bằng, dựa trên phát âm tương tự với nhãn hiệu “COZY” (Cô di) đã được bảo hộ của Công ty TNHH giấy COZY.
Nhãn hiệu của ông Bùi Xuân Bắc | Nhãn hiệu của Công ty TNHH giấy COZY |
[1] Điểm h, Khoản 2, Điều 74 Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam