Trong hoạt động kinh doanh, mọi người đều muốn tạo dựng uy tín cho hàng hóa, dịch vụ của mình, tạo ra một “thương hiệu” nổi tiếng, nhiều người biết đến và đón nhận. Tuy nhiên, không phải ai cũng phân biệt được sự khác nhau giữa nhãn hiệu và thương hiệu, bài viết sẽ chỉ rõ sự khác nhau và ý nghĩa của hai khái niệm trên.
Khái niệm thương hiệu và nhãn hiệu
Theo định nghĩa của Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO), thương hiệu (brands) là một dấu hiệu (hữu hình và vô hình) đặc biệt để nhận biết một sản phẩm hàng hoá hay một dịch vụ nào đó được sản xuất hay được cung cấp bởi một cá nhân hay một tổ chức.
Nhãn hiệu (trademark) là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hoá, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau (Theo khoản 16, Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2009). Để được bảo hộ thì chủ sở hữu cần thực hiện thủ tục đăng ký nhãn hiệu và được cấp giấy chứng nhận
Từ hai khái niệm trên, chúng ta có thể nhận ra một điểm chung rằng, nhãn hiệu và thương hiệu đều là một dấu hiệu mà thông qua đó, mọi người (khách hàng, đối tác, người tiêu dùng) có thể nhận biết một sản phẩm (hàng hóa, dịch vụ) của các tổ chức, cá nhân cung cấp sản phẩm đó. Cả thương hiệu và nhãn hiệu đều dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ giữa các tổ chức, cá nhân với nhau, giúp cho người tiêu dùng nhận biết và phân biệt được sản phẩm mà mình muốn mua, muốn trải nghiệm. Bây giờ, chúng ta cùng đi sâu và làm rõ sự khác nhau giữa thương hiệu và nhãn hiệu.
Về mặt pháp lý
Nhãn hiệu là đối tượng điều chỉnh của Luật Sở hữu trí tuệ, được pháp luật công nhận và bảo vệ. Cả pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế đều thừa nhận và bảo hộ cho nhãn hiệu nếu cá nhân, tổ chức đăng ký bảo hộ tại cơ quan có thẩm quyền.
Thương hiệu không phải là thuật ngữ được định nghĩa trong luật, cũng không có khái niệm cụ thể nào cho thương hiệu. Vì vậy, thương hiệu không được cả pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế bảo hộ.
Về mặt nhận thức
Thương hiệu được hình thành qua thời gian, trong cả quá trình kinh doanh và tạo nên sự liên tưởng về mặt cảm xúc. Thương hiệu là dấu ấn của sự suy tín, là kết quả của sự phấn đấu lâu dài của doanh nghiệp, dần dần hình thành nên một hình tượng trong tâm trí người tiêu dùng. Muốn tạo nên thương hiệu có ấn tượng mạnh mẽ, sản phẩn của doanh nghiệp đó cần phải hữu ích, giá cả phù hợp với giá trị sử dụng, nổi bật so với các sản phẩm khác, không bị lấn át bởi những sản phẩm tương tự. Thông thường, con người ta chỉ nhớ đến những điều đặc biệt, không bị trộn lẫn và thường liên quan đến cảm xúc. Ví dụ, khi nhắc đến Iphone, người ta liên tưởng ngay đến hình ảnh “quả táo cắn dở” cũng như những tính năng, công dụng và sự “sang chảnh” của chiếc điện thoại do hãng Apple sản xuất.
Không giống như thương hiệu, nhãn hiệu có thể được đăng ký bảo hộ ngay từ khi mới thành lập doanh nghiệp, khi nhãn hiệu ấy mới ra đời. Thời hạn bảo hộ đối với nhãn hiệu là 10 năm kể từ ngày nộp đơn, và có thể gia hạn nhiều lần. Nhãn hiệu là dấu hiệu của doanh nghiệp, để phân biệt với nhãn hiệu của doanh nghiệp khác trong kinh doanh, làm cho sản phẩm của mình không bị làm giả, làm nhái. Ví dụ: Nhãn hiệu Dove, Sunsilk, Comfort,… của công ty Unilever được pháp luật công nhận và bảo hộ. Vì vậy, những doanh nghiệp khác không được sử dụng những dấu hiệu này cũng như làm giả, làm nhái. Nếu cố tình vi phạm, họ có thể bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Về thời gian tồn tại của thương hiệu và nhãn hiệu
Nhãn hiệu tồn tại được là nhờ sự đăng ký bảo hộ chủ sở hữu nhãn hiệu đó trong một thời gian nhất định, để duy trì được nhãn hiệu, nó cần phải được đăng ký bảo hộ thường xuyên.
Thương hiệu không có thời gian tồn tại cụ thể, điều đó dựa trên nhiều yếu tố khác nhau như: sản phẩm của thương hiệu đó có còn nổi bật nữa không? Có còn thu hút và đáp ứng được thị hiếu người tiêu dùng không? Người tiêu dùng có còn đón nhận và ưu tiên mua những sản phẩm đó không? Và các yếu tố tác động khách quan khác,… Vì vậy, có những thương hiệu chỉ tồn tại được trong một thời gian ngắn, vì không đủ sức duy trì sức hấp dẫn, nhưng có những thương hiệu thì tồn tại rất lâu, gần như in sâu trong tâm trí người tiêu dùng như Cao Sao Vàng, Bia 333,…