Tại Việt Nam một hành vi được xem là tội phạm khi nó có đầy đủ các yếu tố sau: hành vi đó phải được quy định (có thể mô tả hành vi) trong bộ luật hình sự năm 1999; người thực hiện hành vi phạm tội phải là người có năng lực trách nhiệm hình sự; hành vi đó xâm phạm đến khách thể được pháp luật bảo vệ; lỗi của người thực hiện hành vi phạm tội có thể là lỗi cố ý (cố ý trực tiếp hoặc cố ý gián tiếp) hoặc vô ý (vô ý do cẩu thả hoặc vô ý do quá tự tin)
1. Tội phạm là gì?
Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật hình sự; do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý; xâm phạm độc lập; chủ quyền; thống nhất; toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc; xâm phạm chế độ chính trị; chế độ kinh tế; nền văn hoá, quốc phòng; an ninh, trật tự; an toàn xã hội; quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tự do, tài sản; các quyền, lợi ích hợp pháp khác của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa.
2. Phân biệt các loại tội phạm trong bộ luật hình sự
Theo đó, bộ luật hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) quy định bốn loại tội phạm tại khoản 3 Điều 8, bao gồm: Tội phạm ít nghiêm trọng; tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng; tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, trong đó:
Tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại không lớn cho xã hội. Ví dụ: tội Giao rừng, đất trồng rừng, thu hồi rừng, đất trồng rừng trái pháp luật tại Điểm a, khoản 1 Điều 176 BLHS; tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp tại khoản 1 và khoản 2 Điều 171 BLHS… Mức cao nhất của khung hình phạt đối với loại tội này là đến ba năm tù.
Tội phạm nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại lớn cho xã hội. Ví dụ: tội mua bán phụ nữ tại khoản 1 Điều 119 BLHS, tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản tại khoản 1 Điều 134 BLHS; tội vi phạm quy định về sử dụng lao động trẻ em tại khoản 2 Điều 228… Mức cao nhất của khung hình phạt đối với loại tội này là đến bảy năm tù.
Tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại rất lớn cho xã hội. Ví dụ: tội vô ý làm chết người tại khoản 2 Điều 98 BLHS, tội hiếp dâm theo quy định tại khoản 2 Điều 111 BLHS; tội tàng trữ, vận chuyển; mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy theo quy định tại khoản 2 Điều 194 BLHS… Mức cao nhất của khung hình phạt đối với loại tội này là đến mười lăm năm tù.
Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại đặc biệt lớn cho xã hội. Ví dụ: Tội giết người theo quy định tại khoản 1 Điều 93 BLHS; tội cướp tài sản theo quy định tại Điều 133 BLHS; tội cố ý truyền HIV cho người khác theo quy định tại khoản 2 Điều 118 BLHS… Mức cao nhất của khung hình phạt đối với loại tội này là trên mười lăm năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.