Giết người là hành vi cố ý tước đoạt tính mạng của người khác một cách trái pháp luật. Hành vi tước đoạt tính mạng người khác được hiểu là hành vi có khả năng gây ra cái chết cho con người, chấm dứt sự sống của họ. Hậu quả của hành vi trái luật này là hậu quả chết người. Vậy những yếu tố cấu thành tội giết người được quy định như nào theo pháp luật Việt Nam.
1. Khái niệm tội giết người
Hành vi giết người của người phạm tội là hành vi cố ý tước đoạt trái pháp luật tính mạng của người khác, hành vi đó đã xâm phạm đến khách thể được pháp luật hình sự Việt Nam bảo vệ.
2. Chủ thể của tội giết người
Chủ thể thường. Theo quy định tại Điều 12 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017: Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm này. Ngoài ra, chủ thể có đầy đủ năng lực hành vi và năng lực chịu trách nhiệm hình sự.
3. Dấu hiệu Mặt khách quan của tội phạm
a) Dấu hiệu hành vi khách quan của tội phạm
– Là hành vi tước đoạt trái pháp luật tính mạng của người khác. Hành vi đó có khả năng gây ra cái chết cho nạn nhân, dẫn đến chấm dứt sự sống của họ.
– Hành vi tự tước đoạt tính mạng của mình, hành vi gây ra cái chết cho người khác được pháp luật cho phép thì không phải hành vi khách quan của tội giết người. Ví dụ: tước đoạt tính mạng của người khác trong trường hợp phòng vệ chính đáng …
– Hành vi khách quan bao gồm : hành vi hành động và hành vi không hành động.
+ Hành vi hành động như bắn, đâm, chém…
+ Hành vi không hành động là những trường hợp chủ thể có nghĩa vụ phải hành động, họ sẽ phải làm những việc nhất định để đảm bảo sự an toàn về tính mạng của người khác. Tuy đủ điều kiện nhưng họ đã lựa chọn không hành động để mặc cho tính mạng của nạn nhân bị xâm hại. Ví dụ : không hành động của ng mẹ đối với con mới đẻ, không cho con ăn, uống… dẫn đến đứa trẻ tử vong.
– Đối tượng tác động của hành vi tước đoạt tính mạng là người khác và người đó phải đang trong tình trạng còn sống.
b) Dấu hiệu hậu quả của tội phạm
– Hậu quả chết người là dấu hiệu bắt buộc khi tội giết người được coi là hoàn thành. Nếu hậu quả chết người không xảy ra vì nguyên nhân khách quan thì hành vi phạm tội bị coi là tội giết người chưa đạt ( khi lỗi của chủ thể là lỗi cố ý trực tiếp ) hoặc là tội cố ý gây thương tích ( khi lỗi của chủ thể là lỗi cố ý gián tiếp và hậu quả thương tích xảy ra đủ cấu thành tội phạm này. )
c) Dấu hiệu quan hệ nhân quả giữa hành vi khách quan và hậu quả chết người
– Người có hành vi tước đoạt trái pháp luật tính mạng người khác chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về hậu quả chết người nếu hành vi họ đã thực hiện là nguyên nhân của hậu quả chết người đã xảy ra đó. Như vậy, việc xác định mối quan hệ nhân quả là điều kiện cần thiết để có thể buộc người có hành vi tước đoạt trái pháp luật tính mạng người khác phải chịu trách nhiệm về hậu quả chết người đã xảy ra.
4. Dấu hiệu mặt chủ quan của tội phạm
a) Dấu hiệu lỗi của chủ thể
– CTTP trong tội giết người bao gồm lỗi cố ý: trực tiếp và gián tiếp
+ Lỗi cố ý trực tiếp : người phạm tội thấy trước được hậu quả chết người có thể xảy ra hoặc tất nhiên xảy ra nhưng vì mong muốn hậu quả đó nên đã thực hiện hành vi phạm tội.
+ Lỗi cố ý gián tiếp : người phạm tội nhận thức được hành vi của mình có khả năng nguy hiểm đến tính mạng của người khác, thấy được hậu quả chết người có thể xảy ra nhưng để đạt được mục đích của mình, người phạm tội có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra hay nói cách khác, họ có ý thức chấp nhận hậu quả đó ( nếu xảy ra ).
+ Lưu ý : chỉ có thể có lỗi cố ý gián tiếp nếu người phạm tội thấy trước được hậu quả chết người có thể xảy ra. Nếu đã thấy trước hậu quả chết người tất nhiên xảy ra thì chỉ có thể là lỗi cố ý trực tiếp.
– Trong trường hợp hậu quả chết người đã xảy ra, thì việc xác định lỗi cố ý trực tiếp hay gián tiếp không có ý nghĩa trong việc định tội nhưng việc xác định này sẽ có ý nghĩa quan trọng nếu người phạm tội đã thực hiện hành vi khách quan nhưng hậu quả chết người chưa xảy ra. Cụ thể:
+ Hậu quả chết người chưa xảy ra và lỗi của người phạm tội là lỗi cố ý trực tiếp thì người phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự về tội giết người chưa đạt.
+ Hậu quả chết người chưa xảy ra và lỗi của người phạm tội là lỗi cố ý gián tiếp thì người phạm tội chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích. Nếu thương tích xảy ra thỏa mãn đòi hỏi của CTTP tội này .
b) Dấu hiệu mục đích, động cơ phạm tội
– Mục đích, động cơ phạm tội không được mô tả trong CTTP ( cơ bản ) của tội giết người. Trong thực tế, hành vi cố ý tước đoạt trái pháp luật tính mạng của người khác có thể được thực hiện với các mục đích, động cơ khác nhau ( như giết người do mâu thuẫn cá nhân… ). Nhưng nếu người phạm tội có mục đích và động cơ nhất định thì có thể sẽ cấu thành tội phạm khác mà không phải tội giết người. Ví dụ: hành vi cố ý tước đoạt trái pháp luật tính mạng của người khác vì mục đích chống chính quyền nhân dân cấu thành tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân được quy định tại Điều 113 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017.
5. Khách thể của tội phạm
– Tính mạng, sức khỏe, quyền được sống của con người được pháp luật Việt Nam bảo vệ bị các hành vi của phạm tội xâm hại đến.