Luật Cạnh tranh 2018 tuy không tiếp tục quy định về hành vi quảng cáo nhằm cạnh tranh không lành mạnh nhưng có kế thừa và mở rộng quy định về so sánh hàng hóa của doanh nghiệp của Luật Cạnh tranh 2004. Luật 2018 tại điểm b Khoản 5 Điều 45 về hành vi cạnh tranh không lành mạnh bị cấm cụ thể là hành vi lôi kéo khách hàng quy định: “So sánh hàng hóa, dịch vụ của mình với hàng hóa; dịch vụ cùng loại của doanh nghiệp khác nhưng không chứng minh được nội dung.”
Quy định theo Luật cạnh tranh 2004
Tại Khoản 1 Điều 45 Luật Cạnh tranh 2004 quy định việc so sánh trực tiếp sản phẩm là hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Theo quy định thì chỉ khi so sánh trực tiếp hàng hóa, dịch vụ mới xét có thuộc hành vị cạnh tranh lành mạnh hay không. Đồng thời, chỉ cần so sánh trực tiếp sản phẩm của doanh nghiệp mình với doanh nghiệp khác thì đã là hành vi cạnh tranh không lành mạnh mà không yêu cầu chứng minh nội dung.
Quy định theo luật cạnh tranh 2018
Quy định của Luật Cạnh tranh 2018 mở rộng phạm vi áp dụng không chỉ với so sánh trực tiếp mà với hành vi so sánh nói chung không phân biệt hình thức so sánh là trực tiếp hay gián tiếp chỉ quy định điều kiện với trường hợp so sánh là cạnh tranh không lành mạnh khi không chứng minh được nội dung. Như vậy, quy định mới của Luật Cạnh tranh 2018 về hành vi cạnh tranh không lành mạnh so sánh hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu thực tế của thị trường hiện nay với các hình thức cạnh tranh ngày càng đa dạng, phong phú về phương thức, hình thức. Đồng thời, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức.
Ví dụ cụ thể
Một ví dụ minh họa là về vụ việc của Công ty Cổ phần cao su Sài Gòn Kymdan và các doanh nghiệp: Công ty TNHH sản xuất và thương mại Vạn Thành, Công ty TNHH sản xuất Mousse Ưu Việt, Công ty TNHH sản xuất đồ nhựa Anh Dũng. Cụ thể, vào tháng 07/2001 Công ty cổ phần cao su Sài Gòn Kymdan đăng trên các báo Sài Gòn giải phóng, Phụ nữ, Tuổi trẻ, Người lao động, Sài Gòn tiếp thị với ngôn ngữ thể hiện có sự so sánh hàng hoá của mình (nệm Kymdan được làm từ 100% cao su thiên nhiên), với hàng hoá cùng loại của thương nhân khác (trong đó có Công ty TNHH Vạn Thành và Công ty TNHH Ưu Việt) đang sản xuất nệm lò xo, nệm nhựa poly-urethane (nệm mút xốp nhẹ). Hành vi này của Công ty Kymdan là hành vi cạnh tranh không lành mạnh vi phạm Luật Cạnh tranh 2018 tại điểm b Khoản 5 Điều 45 về so sánh hàng hóa dịch vụ cùng loại. Tuy nhiên, khi áp dụng quy định tại Khoản 1 Điều 45 Luật Cạnh tranh 2004 thì cần xem xét hành vi của Công ty Kymdan đáp ứng điều kiện hành vi cạnh tranh không lành mạnh là so sánh trực tiếp hay không. Trên thực tế, với vụ việc này Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao ra Quyết định số 20/HĐTP-DS ngày 23-06-2003, Công ty cổ phần cao su Sài Gòn Kymdan phải đăng cải chính và xin lỗi Công ty TNHH sản xuất và thương mại Vạn Thành và Công ty TNHH sản xuất Mousse Ưu Việt.
Như vậy về cạnh tranh không lành mạnh, Luật Cạnh tranh 2018 đã thay đổi quy định về hành vi so sánh hàng hóa của doanh nghiệp mình với hàng hóa của doanh nghiệp khác nhằm cạnh tranh không lành mạnh.