Ký quỹ là một biện pháp bảo đảm nghĩa vụ cho hợp đồng thường thấy trong giao dịch dân sự. Dễ thấy nhất là trong các giao dịch dân sự chuyển giao quyền sử dụng đất khi bên mua giao cho bên bán một khoản tiền để đảm bảo sẽ ký kết hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng đất hay trong trường hợp đặt cọc thuê nhà. Ký quỹ là một vấn đề pháp lý cần được tìm hiểu để phân biệt với các hình thức bảo đảm thực hiện hợp đồng dân sự khác.
Căn cứ pháp lý của ký quỹ
– Điều 330 bộ luật dân sự 2015
Ký quỹ là gì?
Ký quỹ là một biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, là việc bên có nghĩa vụ gửi một khoản tiền hoặc kim khí, đá quý hoặc giấy tờ có giá vào tài khoản phong tỏa tại một tổ chức tín dụng để đảm bảo việc thực hiện nghĩa vụ.
Đặc điểm của ký quỹ
– Đối tượng: là tài sản có giá trị thanh toán để đảm bảo cho việc thực hiện nghĩa vụ là tiền, kim khí, đá quý hoặc các giấy tờ trị giá được bằng tiền. Tài sản này phải có sẵn và được phong tỏa tại một tổ chức tín dụng.
– Chủ thể: Các chủ thể trong quan hệ ký quỹ chủ yếu gồm bên ký và tổ chức tín dụng nhận, ngoài ra còn có bên có quyền. Tuy pháp luật dân sự quy định rằng chủ thể nhận ký là các tổ chức tín dụng nhưng Luật các tổ chức tín dụng 2010 (sửa đổi 2017) vẫn cho phép các tổ chức khác không phải tổ chức tín dụng nhận ký quỹ. Cụ thể trong thực tế các công ty chứng khoán trong hoạt động của mình cũng có thể nhận ký quỹ mặc dù không phải tổ chức tín dụng.
Có trường hợp, bên có quyền cũng là bên nhận ký quỹ như đối với các giao dịch dân sự mà bên có quyền là ngân hàng thì ngân hàng có thể vừa là bên ký quỹ, vừa là bên có quyền.
– Mục đích: Mục đích là bảo đảm thực hiện nghĩa vụ cho bên có quyền bằng một tài khoản ký quỹ. Bên thực hiện gửi một khoản tài sản ký quỹ vào tài khoản phong tỏa tại một tổ chức tín dụng. Trong trường hợp mà bên ký không thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng hoặc thực hiện nhưng thực hiện không đúng thì tổ chức tín dụng nhận ký quỹ sẽ giao cho bên có quyền tài sản ký quỹ sau khi trừ chi phí dịch vụ.
Hậu quả pháp lý của quan hệ ký quỹ
Trong trường hợp đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên ký không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ thì tổ chức tín dụng nơi ký sẽ dùng tài khoản đó để thanh toán cho bên có quyền. Nếu bên có quyền bị thiệt hại do bên kia không thực hiện nghĩa vụ gây ra thì tổ chức tín dụng dùng tài khoản đó để bồi thường thiệt hại. Ngoài ra, tổ chức tín dụng có quyền thu một khoản chi phí dịch vụ từ tài khoản đó trước khi thực hiện việc thanh toán và bồi thường.
Quyền và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ ký quỹ
+ Tổ chức tín dụng nơi ký quỹ có quyền hưởng phí dịch vụ từ hoạt động ký quỹ và có thể yêu cầu bên có quyền thực hiện đúng thỏa thuận để được thanh toán nghĩa vụ từ tiền ký; Tổ chức tín dụng nơi ký có nghĩa vụ thanh toán nghĩa vụ theo yêu cầu của bên có quyền trong phạm vi tiền ký quỹ và hoàn trả tiền còn lại cho bên ký sau khi thanh toán nghĩa vụ theo yêu cầu của bên có quyền và khi chấm dứt ký quỹ;
+ Bên ký quỹ có quyền thỏa thuận với tổ chức tín dụng nơi ký quỹ về điều kiện thanh toán theo đúng cam kết với bên có quyền; có quyền yêu cầu tổ chức tín dụng hoàn trả tiền ký quỹ theo quy định; có quyền được trả lãi trong trường hợp có thỏa thuận với tổ chức tín dụng; rút bớt, bổ sung tiền ký quỹ hoặc đưa tiền ký quỹ tham gia giao dịch dân sự khác trong trường hợp bên có quyền đồng ý. Bên ký có nghĩa vụ nộp đủ tiền tại tổ chức tín dụng nơi ký quỹ;
+ Bên có quyền trong quan hệ ký quỹ có quyền yêu cầu tổ chức tín dụng nơi ký quỹ thanh toán nghĩa vụ đầy đủ, đúng hạn trong phạm vi tiền ký quỹ; và có nghĩa vụ thực hiện đúng thủ tục theo yêu cầu của tổ chức tín dụng nơi ký quỹ trong việc thực hiện quyền của mình;
Như vậy, ký quỹ là một biện pháp thực hiện hợp đồng dân sự đặc biệt vì nó có sự tham gia của chủ thể thứ ba là các tổ chức tín dụng để đảm bảo cho việc thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng. Bài viết nêu rõ căn cứ pháp lý, định nghĩa, đặc điểm, hậu quả pháp lý và quyền nghĩa vụ của các bên trong quan hệ ký quỹ.