Lệch chuẩn mực pháp luật, (hay còn gọi là vi phạm pháp luật) là sự xâm hại, phá vỡ các nguyên tắc, quy định xử sự chung do nhà nước xây dựng, ban hành nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội, định hướng cho hành vi ứng xử cho các cá nhân và các nhóm xã hội. Bài viết sẽ cung cấp tới Quý đọc giả các hành vi bị coi là sai lệch chuẩn mực pháp luật và cách phân loại của các hành vi này.
1. Căn cứ vào nội dung, tính chất của các chuẩn mực pháp luật bị xâm hại
Hành vi sai lệch chuẩn mực pháp luật được chia thành hành vi sai lệch tích cực và hành vi sai lệch tiêu cực:
– Hành vi sai lệch tích cực là những hành vi (cố ý hoặc vô ý) vi phạm, phá vỡ hiệu lực của các chuẩn mực pháp luật đã lạc hậu, lỗi thời, không còn phù hợp với thực tế xã hội hiện tại hoặc không còn được nhà nước và xã hội thừa nhận.
– Hành vi sai lệch tiêu cực là những hành vi (cố ý hoặc vô ý) vi phạm, phá vỡ hiệu lực, sự tác động của các chuẩn mực pháp luật hiện hành, có nội dung, tính chất phù hợp, tiến bộ, đang phổ biến, thịnh hành và được nhà nước, các cộng đồng người thừa nhận rộng rãi trong xã hội.
2. Căn cứ vào thái độ tâm lý chủ quan (lỗi) của người thực hiện hành vi sai lệch
Bao gồm hành vi sai lệch chủ động và hành vi sai lệch thụ động
– Hành vi sai lệch chủ động là hành vi có ý thức, có tính toán, cố ý ( trực tiếp hoặc gián tiếp) vi phạm, phá vỡ hiệu lực của các chuẩn mực pháp luật, dù chuẩn mực pháp luật đó đã lạc hậu, lỗi thời hay còn đang tiến bộ, phù hợp.
– Hành vi sai lệch thụ động là hành vi vô ý, không mong muốn vi phạm, phá vỡ tính ổn định, sự tác động của các chuẩn mực pháp luật
3. Xem xét đồng thời cả hai tiêu chí phân loại trên
Có thể phân loại tiếp thêm 4 loại hành vi sai lệch chuẩn mực pháp luật như sau:
– Hành vi sai lệch chủ động- tích cực
– Hành vi sai lệch chủ động- tiêu cực
– Hành vi sai lệch thụ động- tích cực
– Hành vi sai lệch thụ động- tiêu cực.