Cơ chế của chuẩn mực pháp luật là những quy tắc xử sự chung do nhà nước xây dựng, ban hành và đảm bảo thực hiện, nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội, định hướng cho hành vi ứng xử của các cá nhân và các nhóm xã hội. Việc một cá nhân hay nhóm xã hội nào đó thực hiện một hành vi xâm hại tới các nguyên tắc, quy định của chuẩn mực pháp luật được gọi là Sai lệch chuẩn mực pháp luật.
1. Sự không hiểu biết, hiểu biết không đúng, không chính xác các quy tắc, yêu cầu của chuẩn mực pháp luật
Trong trường hợp này, đa số các hành vi sai lệch chuẩn mực pháp luật xảy ra do các cá nhân, nhóm xã hội thiếu thông tin, kiến thức, hiểu biết về chuẩn mực pháp luật, không hiểu hoặc hiểu không đúng nội dung của các quy tắc, yêu cầu trong các chuẩn mực pháp luật. Từ chỗ thiếu hiểu biết pháp luật mà họ đã thực hiện những hành vi sai lệch chuẩn mực pháp luật nhất định.
2. Tư duy diễn dịch không đúng, sự suy diễn các chuẩn mực pháp luật thiếu căn cứ logic và sử dụng các phán đoán phi logic
Khi tham gia vào các lĩnh vực cụ thể của đời sống xã hội, do thói quen thích suy diễn, sử dụng các phán đoán chủ quan vô cùng thiếu căn cứ và logic của bản thân, dẫn đến việc nhầm lẫn hoặc cố ý áp dụng các chuẩn mực xã hội khác vào lĩnh vực pháp luật, đã vi phạm một số chuẩn mực pháp luật, tức là đã thực hiện những hành vi sai lệch chuẩn mực pháp luật.
3. Việc củng cố, tiếp thu các quy tắc, yêu cầu của những chuẩn mực pháp luật đã lạc hậu, lỗi thời, không còn phù hợp với pháp luật hiện hành
Cùng với sự thay đổi của các mối quan hệ xã hội, của các điều kiện lịch sử- xã hội, các chuẩn mực pháp luật được quy định từ lâu dần tỏ ra lạc hậu, lỗi thời, không còn đáp ứng được các yêu cầu, đòi hỏi thực tiễn của xã hội hiện nay, đã bị nhà nước bãi bỏ hoặc thay thế bằng các văn bản pháp luật khác. Tuy nhiên vẫn có các cá nhân, nhóm xã hội do không biết, hoặc biết nhưng vẫn cố ý áp dụng các quy tắc đã lạc hậu, lỗi thời đó, dẫn đến vi phạm chuẩn mực pháp luật hiện hành.
4. Đi từ những quan niệm sai lệch dẫn tới việc thực hiện hành vi sai lệch chuẩn mực pháp luật
Trong quá trình vận động, phát triển của xã hội, có những quan điểm, quan niệm chỉ có giá trị, ý nghĩa thực tiễn, chỉ được coi là đúng trong xã hội cũ; còn trong xã hội hiện nay, chúng tỏ ra không còn phù hợp, bị coi là quan niệm sai lệch cả về nội dung lẫn tính chất. Tuy nhiên, vẫn có những cá nhân, nhóm xã hội nhất định làm theo các quan niệm sai lệch đó, dẫn đến hành vi sai lệch chuẩn mực pháp luật.
5. Cơ chế khuyết tật về tâm sinh lý dẫn tới hành vi sai lệch chuẩn mực xã hội
Trong xã hội có những cá nhân, do dị tật bẩm sinh hoặc tai nạn ngoài ý muốn (tai nạn giao thông, lao động…) khiến họ phải mang trên mình những khuyết tật nhất định về tâm- sinh lý. Đó có thể là những khuyết tật về thể chất (mù, câm, điếc…) hoặc những khuyết tật ngoại hình khác. Đặt biệt hơn, họ có thể gặp các khuyết tật về trí lực, như tâm thần, hoang tưởng, rối loạn tự kỉ… Những khuyết tật đó có thể khiến họ khó khăn trong việc nhận thức, cảm nhận các quy tắc, chuẩn mực nói chung, khiến họ vô tình vi phạm các quy định của pháp luật.
6. Cơ chế về mối liên hệ nhân- quả giữa các hành vi sai lệch chuẩn mực xã hội
Đây là trường hợp cá nhân đi từ việc thực hiện một hành vi sai lệch chuẩn mực pháp luật này dẫn tới việc thực hiện một hành vi sai lệch chuẩn mực pháp luật khác theo mối liên hệ nhân- quả mà chủ thể không biết, hoặc biết nhưng vẫn thực hiện. Trong đó, hành vi sai lệch thứ nhất là hành vi được coi là nguyên nhân dẫn tới kết quả là hành vi sai lệch kế tiếp.