Nguyên tắc “Suy đoán vô tội” trong tố tụng hình sự là một nguyên tắc còn khá mới, chưa quen thuộc với đa số người dân. Tuy nhiên, nguyên tắc này lại được pháp luật áp dụng, đưa vào hoạt động xét xử liên tục trong nhiều vụ án gần đây. Hãy cùng tìm hiểu nội dung của nguyên tắc này nhé.
Theo Điều 13 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định:
““Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do bộ luật này quy định và có bản án kết tội của tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục do bộ luật này quy định thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị buộc tội không có tội”.
Theo cách diễn đạt này, người bị buộc tội (người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo) được suy đoán vô tội. Ngoài ra nội dung nguyên tắc này cũng được thể hiện chính thức tại khoản 1 Điều 13 Hiến pháp năm 2013: “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật”.
Vậy ta có thể khái quát nội dung của của nguyên tắc “Suy đoán vô tội” này như sau:
- Không ai được coi là có tội khi chưa có bản án kết tội của Tòa án có hiệu lực pháp luật
- Người bị tình nghi, bị can, bị cáo không có nghĩa vụ chứng minh sự vô tội của mình. Nghĩa vụ chứng minh tội phạm thuộc về trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng
- Mọi nghi ngờ trong quá trình chứng minh phạm tội của người bị tình nghi, bị can, bị cáo nếu không được loại trừ theo trình tự, thủ tục do Bộ luật tố tụng hình sự quy định thì phải được giải thích có lợi cho người bị tình nghi, bị can, bị cáo
- Bản án kết tội của Tòa án không được dựa trên các giả định
Để thực hiện tốt nguyên tắc “Suy đoán vô tội”, đòi hỏi phải có sự phối hợp với các nguyên tắc cơ bản khác có liên quan của tố tụng hình sự. Vì vậy, “Suy đoán vô tội” là một nguyên tắc quan trọng của tố tụng hình sự, góp phần hạn chế các vụ án oan, sai nghiêm trọng.
Đối với cơ quan Tòa án, nguyên tắc “Suy đoán vô tội” lại càng cần được đặc biệt quan tâm và bảo đảm thực thi tốt để nâng cao chất lượng xét xử, đảm bảo phán quyết của Tòa án đúng pháp luật, bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Để thực hiện tốt nguyên tắc này, song song với việc đặt ra yêu cầu phải nhanh chóng triển khai thực hiện, đồng bộ các giải pháp và thống nhất với các nguyên tắc khác trong tố tụng hình sự.