Trọng tài thương mại là một hình thức giải quyết tranh chấp được nhiều người lựa chọn vì những ưu điểm của nó. Điều 3, luật trọng tài thương mại 2010 đã quy định cụ thể về các nguyên tắc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài.
Trọng tài viên phải tôn trọng thoả thuận của các bên.
Trọng tài viên phải tôn trọng thỏa thuận của các bên nếu thỏa thuận đó không vi phạm điều cấm và trái đạo đức xã hội. Một trong những ưu điểm của việc giải quyết tranh chấp theo thủ tục trọng tài là các bên có tranh chấp được đảm bảo tối đa quyền tự do định đoạt trên nhiều phương diện trong quá trình giải quyết. Các bên tranh chấp có quyền thỏa thuận với nhau về nhiều vấn đề liên quan đến thủ tục giải quyết mà trọng tài viên phải tôn trọng, nếu không sẽ dẫn đến hậu quả là quyết định của hội đồng trọng tài theo bị tòa án hủy theo yêu cầu của các bên.
Trọng tài viên phải độc lập, khách quan, vô tư và tuân theo quy định của pháp luật.
Khi tham gia giải quyết tranh chấp thương mại, trọng tài viên phải thực sự là người thứ ba có đủ các điều kiện nhất định để đảm bảo rằng họ độc lập, vô tư, khách quan trong việc giải quyết tranh chấp, không liên các quan đến bên tranh chấp cũng như không có bất kì lợi ích nào dính dáng đến vụ tranh chấp đó. Để giải quyết tranh chấp một cách công bằng, hợp lí, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của các bên, trọng tài viên phải căn cứ vào pháp luật. Tư tưởng chỉ đạo đối với trọng tài viên là pháp luật, chỉ có căn cứ vào pháp luật, trọng tài viên mới giải quyết được tranh chấp một cách vô tư, khách quan được.
- Các bên tranh chấp đều bình đẳng về quyền và nghĩa vụ.
Hội đồng trọng tài có trách nhiệm tạo điều kiện để các bên thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình. Quyền và nghĩa vụ của các bên là bình đẳng với nhau.
Giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài được tiến hành không công khai.
Nguyên tắc xét xử kín là một nguyên tắc quan trọng trong giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại, trừ phi các bên có thỏa thuận khác. Điều này nhằm tránh ảnh hưởng tiêu cực tới uy tín bí mật kinh doanh, giữ cho các bên tranh chấp cơ hội hợp tác về sau. Đặc điểm này cũng là một ưu điểm lớn luôn được cân nhắc đối với các bên trong tranh chấp.
- Phán quyết trọng tài là chung thẩm.
Yêu cầu của việc giải quyết tranh chấp thương mại là nhanh chóng, dứt điểm, tránh dây dưa, kéo dài, làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh. Với tư cách là một tổ chức phi chính phủ, trọng tài thương mại không có cơ quan cấp trên nên phán quyết của trọng tài có giá trị chung thẩm, không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm như bản án sơ thẩm của tòa án và cũng không có thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm. Qua đó, thời gian và công sức của các bên được tiết kiệm tối đa. Tố tụng trọng tài chỉ có một trình tự giải quyết, tức là các tranh chấp thương mại chỉ được giải quyết một lần trọng tài.