Ly hôn là điều không một cặp đôi nào mong muốn xảy ra nhưng khi không còn tìm được tiếng nói chung trong gia đình thì đây là một phương án giải quyết văn minh và cần thiết cho cả hai. Tuy nhiên, việc tranh chấp tài sản riêng hay chung sau ly hôn luôn là vấn đề nóng bỏng, gây tranh chấp dù vô cùng tế nhị, nhạy cảm. Bài viết sẽ cung cấp các điều luật cho Quý đọc giả về kiến thức giải quyết tài sản sau ly hôn.
Theo điều 33 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định về “Tài sản chung của vợ chồng”:
- Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp có thỏa thuận khác, tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung là tài sản chung.
- Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.
- Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung.
Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất, được dùng để đảm bảo nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ và chồng, vì vậy dù chỉ người vợ hay chỉ người chồng làm ra thu nhập, thì thu nhập đó vẫn được coi là thu nhập chung; nếu thu nhập đó dùng để mua tài sản như oto, xe máy, ngôi nhà,… thì khi ly hôn, tất cả tài sản này đều phải được phân chia công bằng theo thỏa thuận hoặc phán quyết của Tòa án.
Lưu ý:
Theo khoản 1 điều 34 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014:
Trong trường hợp tài sản thuộc sở hữu chung của vợ chồng mà pháp luật bắt buộc đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng (ví dụ: giấy chứng nhận quyền sử dụng đất,…) thì giấy chứng nhận quyền sở hữu, giấy chứng nhận quyền sử dụng đó phải ghi tên cả hai vợ chồng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác).