Hòa giải trong giải quyết ly hôn là thủ tục bắt buộc để Tòa án có thể nắm được cụ thể yêu cầu của các bên, lỗi của từng bên cũng như giúp cả hai thỏa thuận về các vấn đề khác như phân chia tài sản, quyền nuôi con mà không cần Tòa án phải can thiệp phân chia mất thời gian và tiền bạc. Từ đó, quá trình ly hôn sẽ rút ngắn hơn và cân bằng lợi ích của cả hai bên.
Hòa giải ở cơ sở:
Điều 52 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về việc khuyến khích hòa giải ở cơ sở như sau: “Nhà nước và xã hội khuyến khích việc hòa giải ở cơ sở khi vợ, chồng có yêu cầu ly hôn. Việc hòa giải được thực hiện theo quy định của pháp luật về hòa giải ở cơ sở.”
Hòa giải trong giải quyết ly hôn ở cơ sở không phải là thủ tục bắt buộc khi vợ chồng yêu cầu ly hôn. Hòa giải ở cơ sở là giải pháp đưa ra để vợ chồng tự lựa chọn. Vợ chồng có thể yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn mà không qua hòa giải ở cơ sở.
Hòa giải ở cơ sở được quy định tại Luật hòa giải ở cơ sở năm 2013. Mục đích của việc hòa giải ở cơ sở đối với các trường hợp vợ, chồng có đơn yêu cầu ly hôn là giúp cho các bên vợ, chồng tự giải quyết mâu thuẫn dưỡi sự hướng dẫn, giúp đỡ và thuyết phục của Tổ viên tổ hòa giải. Nếu hòa giải tại cơ sở không thành thì vợ, chồng có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết việc ly hôn.
Hòa giải tại Tòa án:
Điều 54 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về việc hòa giải tại Tòa án như sau: “Sau khi đã thụ lý đơn yêu cầu ly hôn, Tòa án tiến hành hòa giải theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.”
Hòa giải trong giải quyết ly hôn tại Tòa án là thủ tục bắt buộc khi giải quyết các vụ ly hôn, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Khi hòa giải, Thẩm phán cần giải thích để mỗi bên vợ, chồng thấy rõ sai lầm của mình, giúp vợ chồng hiểu rõ trách nhiệm đối với nhau, với con cái, với gia đình và xã hội. Đặc biệt, các Thẩm phán phải giải thích cho vợ, chồng thấy rõ hậu quả của ly hôn để họ suy nghĩ về yêu cầu ly hôn.
Những trường hợp ly hôn mà Tòa án không tiến hành hòa giải được là: Vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích yêu cầu ly hôn; bị đơn đã được Tòa án triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn cố tình vắng mặt; một bên vợ hoặc chồng bị mất năng lực hành vi dân sự; một bên vắng mặt vì lý do chính đáng khác (Theo quy định của bộ Luật tố tụng dân sự).