Nuôi con là quyền cũng là nghĩa vụ của cha mẹ. Trong trường hợp cha mẹ ly hôn thì trách nhiệm nuôi con vẫn không thay đổi. Tuy nhiên, vì sau khi ly hôn cha mẹ không sống với nhau nữa nên cần thiết phải xác định ai là người có quyền nuôi con. Việc sống với ai ảnh hưởng đến cuộc sống và hạnh phúc của con nên cha mẹ cần cân nhắc cẩn thận.
Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định vấn đề này như sau:
“1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.
- Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.
- Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.”
Như vậy, theo quy định của pháp luật, người trực tiếp nuôi con sẽ do vợ, chồng tự thỏa thuận với nhau. Nếu không thỏa thuận được, người nuôi con sẽ do Tòa án quyết định dựa trên những căn cứ như quyền lợi về mọi mặt của con; ý kiến, nguyện vọng của con nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên.
Ngoài ra, đối với con dưới 36 tháng tuổi, quyền nuôi con thuộc về người mẹ. Quy định như vậy dựa trên căn cứ khoa học và mang tính nhân đạo. Tuy nhiên, trong trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp nuôi con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp nhất với lợi ích của con thì người cha có quyền nuôi con dưới 36 tháng tuổi.
Trên đây là tư vấn của chúng tôi về vấn đề quyền nuôi con sau ly hôn. Mọi thắc mắc vui lòng gửi về email: info@diendanphapluat.vn