Giải quyết tranh chấp thương mại đang là vấn đề không chỉ sự nhận được sự quan tâm của giới kinh doanh mà còn là vấn đề quan tâm của các nhà khoa học pháp lí nhằm tạo dựng một cơ chế giải quyết tranh chấp thương mại hiệu quả, góp phần tạo ra môi trường thuận lợi, thúc đẩy cho hoạt động thương mại phát triển.
1.Khái niệm tranh chấp thương mại
Tranh chấp thương mại là một hiện tượng phổ biến và thường xuyên diễn ra trong hoạt động của nền kinh tế thị trường. Do tính chất thường xuyên cũng như hậu quả của nó gây ra cho các chủ thể tham gia tranh chấp nói riêng và cho cả nền kinh tế nói chung, pháp luật Việt Nam đã sớm có những quan tâm nhất định đến hoạt động này cũng như các phương thức giải quyết nó thể hiện thông qua các quy định cụ thể trong nhiều văn bản pháp luật.
Có thể hiểu tranh chấp thương mại là những mâu thuẫn ( bất đồng hay xung đột ) về quyền và nghĩa vụ giữa các bên trong quá trình thực hiện các họat động thương mại. Như vậy tranh chấp thương mại phải hội đủ các yếu tố sau đây :
- Tranh chấp thương mại trước hết là những mâu thuẫn (bất đồng) về quyền và nghĩa vụ giữa các bên trong mối quan hệ cụ thể.
- Những mâu thuẫn (bất đồng) đó phải phát sinh từ hoạt động thương mại.
- Những mâu thuẫn ( bất đồng) đó phát sinh chủ yếu giữa các thương nhân.
2 .Yêu cầu của việc giải quyết tranh chấp thương mại
Nhìn chung việc giải quyết các tranh chấp phải đảm bảo các yêu cầu sau, đây là các yêu cầu được đặt ra xuất phát từ mong muốn của các chủ thể kinh doanh cũng như đòi hỏi chung của nền kinh tế.
Thứ nhất, phải tạo ra các hình thức, thủ tục giải quyết đa dạng, linh hoạt phù hợp với tính chất đa dạng của các quan hệ thương mại trong nền kinh tế cũng như đáp ứng được lợi ích của các chủ thể kinh doanh.
Thứ hai, phải được giải quyết nhanh chóng, kịp thời, không làm hạn chế và cản trở các hoạt kinh doanh doanh, thời cơ, uy tín có tính chất quyết định đến hiệu quả hoạt động đối với doanh nghiệp “thời gian là tiền bạc”.
Thứ ba, phải chính xác, đúng pháp luật, phán quyết phải có tính cưỡng chế thi hành cao.
Thứ tư, đảm bảo giữ bí mật kinh doanh, uy tín của các bên trong môi trường.
Thứ năm, đảm bảo hiệu quả về kinh tế, ít tốn kém.
Thứ sáu, bảo đảm tính dân chủ thực sự, bình đẳng và quyền tự định đoạt của các bên.
3.Các hình thức giải quyết tranh chấp thương mại
Căn cứ điều 317 Luật Thương mại năm 2005 quy định hình thức giải quyết tranh chấp như sau:
“1. Thương lượng giữa các bên.
2. Hoà giải giữa các bên do một cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân được các bên thỏa thuận chọn làm trung gian hoà giải.
3. Giải quyết tại Trọng tài hoặc Toà án.”