Trong quan hệ thương mại, việc xảy ra tranh chấp, mẫu thuẫn là điều không thể tránh khỏi. Khi tranh chấp xảy ra, để đảm bảo tốt nhất về quyền và lợi ích cũng như mối quan hệ giữa các bên, biện pháp giải quyết tranh chấp phù hợp, tiết kiệm tối đa thời gian và tiền bạc cần được cân nhắc để lựa chọn. Hiện nay, có 04 biện pháp giải quyết tranh chấp được quy định tại Luật thương mại 2005, bao gồm: thương lượng, hòa giải, trọng tài, tòa án.
Thương lượng
Là hình thức giải quyết tranh chấp bằng việc các bên tranh chấp gặp nhau để thỏa thuận, bàn bạc để tự tìm ra phương hướng giải quyết mâu thuẫn mà không có bất kì bên thứ ba nào có mặt. Đặc trưng của biện pháp này là phụ thuộc hoàn toàn vào ý chí, sự tự nguyện của mỗi bên mà không chịu sự ràng buộc của các nguyên tắc pháp lý. Không có cơ chế pháp lý nào bảo đảm việc thực thi những thỏa thuận của các bên trong quá trình thương lượng. Do đó, tính bảo mật về thông tin của các bên được đảm bảo.
Hòa giải
Là hình thức giải quyết tranh chấp với sự tham gia của bên thứ ba làm trung gian hòa giải để hỗ trợ, thuyết phục các bên tranh chấp tìm kiếm các giải pháp để giải quyết mâu thuẫn. Giống như thương lượng, hòa giải cũng không chịu sự chi phối của bất kỳ cơ chế pháp lý nào mà do các bên tranh chấp tự quyết định. Tuy nhiên, hòa giải có thêm sự hiện diện của bên thứ ba, còn gọi là hòa giải viên, tham gia vào quá trình giải quyết tranh chấp. Hòa giải viên có vai trò hỗ trợ, giúp đỡ các bên tìm ra giải pháp tốt nhất. Ý kiến của hòa giải viên chỉ mang tính chất tham khảo cho các bên.
Trọng tài thương mại
Là hình thức giải quyết tranh chấp do các bên thoả thuận lựa chọn và được tiến hành theo quy định của pháp luật. Trong hình thức này, sẽ có một Hội đồng trọng tài hoặc trọng tài viên với tư cách là một bên trung gian, độc lập nhằm giải quyết các mẫu thuẫn, tranh chấp giữa các bên. Phán quyết của trọng tài có giá trị bắt buộc thi hành đối với các bên và là phán quyết chung thẩm, không bị kháng cáo, kháng nghị. Tuy nhiên, phán quyết này có thể bị tòa án xem xét hủy nếu không hợp lệ. Hình thức giải quyết tranh chấp này giúp bảo đảm bí mật thông tin của các bên, do quá trình xét xử bằng trọng tài là xét xử kín. Mặt khác, chi phí giải quyết tranh chấp trong trọng tài thương mại thường rất cao.
Tòa án
Là hình thức giải quyết tranh chấp thông qua hoạt động của cơ quan tài phán Nhà nước, nhân danh quyền lực Nhà nước để đưa ra phán quyết. Quy trình giải quyết tranh chấp bằng tòa án phải tuân thủ quy định chặt chẽ của pháp luật tố tụng. Đồng thời, bản án, quyết định của Tòa án được đảm bảo thi hành bằng hệ thống cơ quan thi hành án của nhà nước. Trên thực tế, khi các biện pháp thương lượng, hòa giải, trọng tài không đem lại kết quả, các chủ thể mới lựa chọn đến Tòa án giải quyết.