Miễn trách nhiệm đối với hành vi vi phạm hợp đồng trong thương mại là việc bên vi phạm nghĩa vụ hợp đồng không bị áp dụng các hình thức chế tài. Về bản chất các trường hợp miễn trách nhiệm là những trường hợp loại trừ yếu tố lỗi của bên vi phạm. Do họ không có lỗi nên sẽ không phải chịu trách nhiệm về hành vi vi phạm của mình. Các trường hợp được miễn trách nhiệm đối với hành vi vi phạm trong hợp đồng thương mại được quy định cụ thể như sau:
Miễn trách nhiệm theo thoả thuận
Theo điểm a khoản 1, Điều 294 LTM thì một trong những trường hợp bên vi phạm được miễn trách nhiệm đối với hành vi vi phạm là xảy ra trường hợp miễn trách nhiệm mà các bên đã thỏa thuận.
Khi hợp đồng được giao kết bằng văn bản , thì thoả thuận miễn trách nhiệm được ghi nhận trong nội dung hợp đồn hoặc trong phụ lục hợp đồng. Kể cả khi hợp đồng đã ký kết xong mà các bên vẫn muốn thoả thuân về các trường hợp miễn trách nhiệm thì vẫn có thể thoả thuận bằng lời nói hoặc hành vi cụ thể hoặc sửa đổi, bổ sung vào hợp đồng. Tuy nhiên đối với các trường hợp miễn trách nhiệm được thoả thuận bằng lời nói hoặc hành vi cụ thể , trên thực tế khi có tranh chấp xảy ra lại rất khó để áp dụng giải quyết và thiếu tính khả thi.
Thêm nữa thoả thuận giữa các bên về trường hợp miễn trách nhiệm phải tồn tại trước khi xảy ra vi phạm và có hiệu lực đến thời điểm bên bị vi phạm áp dụng chế tài. Nếu thỏa thuận được hình thành sau khi có vi phạm xảy ra thì nó có ý nghĩa là bên bị vi phạm không áp dụng biện pháp chế tài đó với bên vi phạm chứ không phải là điều kiện để miễn trách nhiệm đối với hành vi vi phạm do có thỏa thuận, bản chất của hai vấn đề hoàn toàn khác nhau.
Miễn trách nhiệm trong trường hợp xảy ra sự kiện bất khả kháng
Theo quy định của điểm b, khoản 1, Điều 294, Luật thương mại năm 2005, bên vi phạm hợp đồng được miễn trách nhiệm trong trường hợp xảy ra sự kiện bất khả kháng. Điều này có nghĩa là dù hợp đồng có quy định hay không thì khi xảy ra sự kiện bất khả kháng dẫn đến việc vi phạm hợp đồng, bên vi phạm vẫn được miễn trách nhiệm.
Từ quy định trên cho thấy, một sự kiện được coi là bất khả kháng thì cần thoả mãn 3 điều kiện sau :
+ Sự kiện khách quan xảy ra sau khi các bên đã giao kết hợp đồng ( VD: bão , lụt,….; các sự kiện chính trị, xã hội : bạo loạn, chiến tranh..; các trường hợp như hoả hoạn phát sinh từ khu vực bên ngoài lan sang… )
+ Sự kiện xảy ra có tính chất bất thường mà các bên không thể lường trước được và không thể khắc phục được. Năng lực đánh giá xem xét một sự kiện có xảy ra hay không được xét từ vị trí của một thương nhân bình thường chứ không phải một chuyên gia chuyên sâu. Sự kiện xảy ra mà hậu quả để lại không thể khắc phục được hiểu là dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép, là sự kiện xảy ra mà không thể tránh được về mặt hậu quả. Tức là sau khi bên vi phạm đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết nhưng vẫn không khắc phục được hậu quả thì mới đáp ứng điều kiện này. Tuy nhiên, nếu như bên vi phạm không thực hiện các biện pháp cần thiết để khắc phục hậu quả nhưng chứng minh được rằng dù có hành động vẫn không thể khắc phục được hậu quả thì xem như đã thỏa mãn điều kiện này.
+ Sự kiện xảy ra là nguyên nhân dẫn đến việc vi phạm hợp đồng : Việc vi phạm hợp đồng, nguyên nhân phải do sự kiện đó chứ không phải do một việc nào khác.
Trên thực tế, sự kiện bất khả kháng không áp dụng đối với một số loại hợp đồng đặc thù, như Hợp đồng vay vốn ngân hàng. Khi đã vay được tiền thì doanh nghiệp phải có trách nhiệm trả nợ và tất cả các hợp đồng vay vốn đều buộc bên vay phải trả nợ trong mọi trường hợp chứ không được miễn trách nhiệm trả nợ trong trường hợp xảy ra sự kiện bất khả kháng. Nếu bên vay cố tình “lợi dụng” Điều 294 Luật TM năm 2005, để đòi miễn trách nhiệm trả nợ khi có sự kiện bất khả kháng thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thống ngân hàng.
Miễn trách nhiệm khi hành vi vi phạm của một bên hoàn toàn do lỗi của bên kia
Theo điểm c khoản 1 điều 294, hành vi vi phạm của một bên hoàn toàn do lỗi của bên kia thì được miễn trách nhiệm
Lỗi được coi là một trong những yếu tố để xác định trách nhiệm dân sự. Lỗi này có thể là hành động hoặc không hành động của bên bị vi phạm. Về bản chất, thì các bên đều có hành vi vi phạm, tuy nhiên, sự vi phạm của một bên có nguyên nhân chủ yếu từ lỗi của bên bị vi phạm. chẳng hạn, bên vi phạm đã làm theo một chỉ dẫn không rõ ràng của bên bị vi phạm dẫn đến thiệt hại. trong trường hợp này, bên vi phạm đã được loại trừ lỗi cấu thành nên hành vi vi phạm, bên bị vi phạm sẽ chịu những rủi ro về thiệt hại này.
VD : Công ty A giao kết với công ty B hợp đồng gia công 3012 chiếc áo khoác lông vũ. Công ty A phải giao nguyên vật liệu ( vải ) cho công ty B để công ty B tiến hành sản xuất. Tuy nhiên , công ty A giao vải đến công ty B chậm 15 ngày khiến cho việc sản xuất bị chậm trễ và làm ảnh hưởng đến việc hoàn thành công việc của công ty B , cụ thể là : công ty B đã không may xong 3012 chiếc áo để giao cho công ty A đúng thời hạn . Nếu như trong hợp đồng không quy định về việc chậm giao vật liệu thì đây được xem là trường hợp miễn trách nhiệm với hành vi vi phạm của một bên hoàn toàn do lỗi của bên kia, bởi công ty B hoàn thành công việc không đúng thời hạn là do công ty A giao nguyên vật liệu chậm trễ .
Miễn trách nhiệm khi hành vi vi phạm của một bên do thực hiện quyết định của cơ quan quản lý nhà nước
Điểm d khoản 1 điều 294 quy định hành vi vi phạm của một bên do thực hiện quyết định của cơ quan quản lý nhà nước thì được miễn trách nhiệm
Đó có thể là quyết định hành chính (quyết định xử phạt vi phạm, quyết định trưng thu,…) hoặc quyết định của cơ quan tư pháp (bản án, quyết định). Miễn trách nhiệm chỉ được áp dụng khi hành vi vi phạm do thực hiện quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền mà các bên không thể biết được vào thời điểm giao kết hợp đồng. Còn nếu như các bên đã biết về việc thực hiện quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền có thể dẫn đến vi phạm hợp đồng mà vẫn đồng ý giao kết hợp đồng thì không được áp dụng miễn trách nhiệm.
VD: Trên địa bàn tỉnh X có ổ dịch bênh heo tai xanh , nên cơ quan nhà nước đã ra quyết định tiêu huỷ tất cả lợn trên toàn tỉnh để dập tắt ổ dịch. Giả sử công ty A có 60 con lợn ở tỉnh X , công ty A đã giao kết với công ty B, bán 60 con lợn đó cho công ty B, xong do thực hiện quyết định của cơ quan quản lý nhà nước tiêu huỷ toàn bộ số lợn để dập tắt ổ dịch nên công ty A phải huỷ giao kết hợp đồng với công ty B. Lúc này công ty A sẽ được miễn trách nhiệm với hành vi vi phạm hợp đồng huỷ hợp đồng với công ty B, do thực hiện quyết đinh của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.
Trên đây là 4 trường hợp được miễn trách nhiệm đối với hành vi vi phạm hợp đồng . Để được áp dụng các căn cứ miễn trách nhiệm thì bên có hành vi vi phạm phải có nghĩa vụ chứng minh mình không có lỗi. Nếu không chứng minh được, bên vi phạm coi như có lỗi và phải chịu các chế tài do pháp luật quy định. ( theo khoản 2 điều 294 LTM 2005) .
Hy vọng qua bài viết trên bạn sẽ hiểu thêm về vấn đê miễn trách nhiệm với hành vi vi phạm hợp đồng trong thương mại.Trường hợp bạn có thắc mắc cần giải đáp, vui lòng liên hệ 0972817699.
“doanh nghiệp”