Gia công trong thương mại là một hoạt động thương mại được quy định tại Luật thương mại 2005. Vậy hoạt động gia công trong thương mại có những đặc điểm gì ?
1. Khái niệm gia công trong thương mại
Tại điều 178 Luật thương mại 2005 quy định “Gia công trong thương mại là hoạt động thương mại, theo đó bên nhận gia công sử dụng một phần hoặc toàn bộ nguyên liệu, vật liệu của bên đặt gia công để thực hiện một hoặc nhiều công đoạn trong quá trình sản xuất theo yêu cầu của bên đặt gia công để hưởng thù lao.”
2. Đặc điểm gia công trong thương mại
a) Chủ thể
Quan hệ gia công được phát sinh giữa bên đặt gia công và bên nhận gia công
Bên đặt gia công là người có nhu cầu về sản phẩm theo khuôn mẫu. Do đó, bên đặt gia công giao một phần hoặc toàn bộ nguyên vật liệu, có thể là bán thành phẩm, có thể là dây chuyền máy móc cho bên nhận gia công
Bên nhận gia công nguyên vật liệu hoặc mua nguyên vật liệu, tổ chức gia công nhằm tạo ra sản phẩm đúng mẫu mã, cách thức theo yêu cầu của bên đặt gia công. Bên nhận gia công phải là thương nhân kinh doanh ngành nghề phù hợp với sản phẩm gia công.
Sản phẩm mới được sản xuất ra theo hợp đồng gia công trong thương mại gọi là hàng hóa gia công. Tất cả các hàng hóa đều có thể gia công, trừ những hàng hóa thuộc diện cấm kinh doanh. Trong trường hợp hàng hóa được gia công cho thương nhân nước ngoài để tiêu thụ ở nước ngoài thuộc diện cấm kinh doanh, cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu theo pháp luật Việt Nam, có thể được gia công nếu được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.
b) Tính chất
Gia công trong thương mại là hoạt động thương mại, do đó ít nhất một bên chủ thể thực hiện, phải có mục đích sinh lời.
c) Hình thức pháp lý
Quan hệ gia công trong thương mại được thể hiện dưới hình thức pháp lý là hợp đồng gia công.
Hợp đồng gia công trong thương mại là sự thỏa thuận giữa bên nhận gia công và bên đặt gia công, theo đó bên nhận gia công sử dụng một phần hoặc toàn bộ nguyên liệu, vật liệu của bên đặt gia công để thực hiện một hoặc nhiều công đoạn trong quá trình sản xuất theo yêu cầu của bên đặt gia công để hưởng thù lao.
Tại điều 179 Luật thương mại 2005 quy định “ Hợp đồng gia công phải được lập thành văn bản hoặc bằng hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương”
d) Mục đích
Trong thương mại, các chủ thể ( hoặc ít nhất một chủ thể) trong quan hệ gia công có mục đích lợi nhuận, do quan hệ này chủ yếu diễn ra giữa các thương nhân hoặc ít nhất một bên là thương nhân