Bản quyền là một hình thức bảo hộ của luật pháp đối với tác giả của “các tác phẩm gốc của tác giả”, bao gồm tác phẩm văn học, sân khấu, âm nhạc, nghệ thuật và các tác phẩm trí tuệ khác. Trong thời đại bây giờ, bản quyền ngày càng được quan tâm nhiều hơn. Các tác phẩm nghệ thuật, tác phẩm khoa học cũng được bảo vệ hơn. Để đăng ký bản quyền cần quan tâm đến những vấn đề gì?
Thứ nhất, ai có quyền nộp đơn?
Tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan có thể trực tiếp hoặc uỷ quyền cho tổ chức, cá nhân khác nộp 01 hồ sơ đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan tại trụ sở Cục Bản quyền tác giả hoặc Văn phòng đại diện của Cục Bản quyền tác giả tại TP. Hồ Chí Minh, TP. Đà Nẵng hoặc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch nơi tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan cư trú hoặc có trụ sở.
Thứ hai, hồ sơ đăng ký bản quyền cần những gì?
- Tờ khai đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan.
- 02 bản sao tác phẩm đăng ký quyền tác giả hoặc 02 bản sao bản định hình đăng ký quyền liên quan.
- Giấy uỷ quyền, nếu người nộp hồ sơ là người được uỷ quyền;
- Tài liệu chứng minh quyền nộp hồ sơ, nếu người nộp hồ sơ thụ hưởng quyền đó của người khác do được thừa kế, chuyển giao, kế thừa;
- Văn bản đồng ý của các đồng tác giả, nếu tác phẩm có đồng tác giả;
- Văn bản đồng ý của các đồng chủ sở hữu, nếu quyền tác giả, quyền liên quan thuộc sở hữu chung.
Thứ ba, Giấy chứng nhận đăng ký bản quyền được cấp sau bao lâu?
Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ, Cục Bản quyền tác giả có trách nhiệm cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan.
Thứ tư, nơi tiếp nhận đơn đăng ký bản quyền?
Như đã nói ở trên, nơi tiếp nhận đơn đăng ký bản quyền, quyền tác giả bao gồm:
- Phòng Đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan, Cục Bản quyền tác giả
- Văn phòng Đại diện Cục Bản quyền tác giả tại TP. Hồ Chí Minh
- Văn phòng Đại diện Cục Bản quyền tác giả tại TP. Đà Nẵng
- Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.