Giao kết hợp đồng lao động là quá trình người lao động và người sử dụng lao động bày tỏ ý chí nhằm đi đến việc xác lập quan hệ lao động. Đó là các quy định về nguyên tắc giao kết, điều kiện, chủ thể, nội dung…Tuy nhiên không phải ai cũng có quyền giao kết hợp đồng. Bài viết dưới đấy sẽ phân tích cụ thể cho bạn những đối tượng nào có khả năng tham gia ký kết hợp đồng lao động
Căn cứ pháp lý: Bộ luật Lao động 2012; Nghị định 148/2018/NĐ-CP thì Chủ thể giao kết hợp đồng gồm người lao động và người sử dụng lao động.
Đối với người lao động
Người giao kết hợp đồng lao động bên phía người lao động là người thuộc một trong các trường hợp sau:
a) Người lao động từ đủ 18 tuổi trở lên;
b) Người lao động chưa thành niên từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi và có sự đồng ý bằng văn bản của người đại diện theo pháp luật của người lao động;
c) Người đại diện theo pháp luật đối với người dưới 15 tuổi và có sự đồng ý của người dưới 15 tuổi;
d) Người lao động được những người lao động trong nhóm ủy quyền hợp pháp giao kết hợp đồng lao động.
Ngoài ra việc giao kết hợp đồng còn phải thoả mãn các điều kiện về sức khoẻ, chuyên môn, khả năng nghề nghiệp và sự tự nguyện làm việc của người lao động
Đối với người sử dụng lao động
Người giao kết hợp đồng lao động bên phía người sử dụng lao động là người thuộc một trong các trường hợp sau:
a) Người đại diện theo pháp luật quy định tại điều lệ của doanh nghiệp, hợp tác xã;
b) Người đứng đầu cơ quan, đơn vị, tổ chức có tư cách pháp nhân theo quy định của pháp luật;
c) Người được các thành viên của hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân ủy quyền làm người đại diện theo quy định của pháp luật;
d) Cá nhân trực tiếp sử dụng lao động;
e) Người được người đại diện theo pháp luật quy định tại Điểm a hoặc người đứng đầu cơ quan, đơn vị, tổ chức quy định tại Điểm b Khoản này ủy quyền bằng văn bản về việc giao kết hợp đồng lao động.
Cần lưu ý: Trường hợp người được ủy quyền giao kết hợp đồng lao động thì không được tiếp tục ủy quyền cho người khác giao kết hợp đồng lao động.