Trên thực tế có muôn vàn các loại hợp đồng hình thành và hiện hữu trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta, hợp đồng dân sự cũng là một trong số đó. Vậy có phải ai cũng hiểu rõ khái niệm hợp đồng dân sự?
Hợp đồng theo định nghĩa tại Điều 385 BLDS năm 2015 được hiểu là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự. Để đảm bảo cho hợp đồng được xác lập đúng bản chất đích thực của nó, hợp đồng theo quy định cuả pháp luật phải thỏa mãn các điều kiện cơ bản sau:
– Hợp đồng phải có ít nhất hai bên chủ thể. Khác với giao dịch là hành vi pháp lý đơn phương thể hiện ý chí của một bên chủ thể như di chúc, hứa thưởng; hợp dồng phải là sự thể hiện ý chí của ít nhất hai bên chủ thể. Lưu ý hai bên chủ thể khác với hai chủ thể, vì một bên chủ thể có thể gồm một người hoặc một nhóm người. Thông thường, một hợp đồng bao gồm hai bên nhưng cũng có những hợp đồng có thể bao gồm ba, bốn bên… những hợp đồng như vậy được gọi chung là hợp đồng đa phương.
– Hợp đồng phải có sự thống nhất ý chí giữa các bên. Không phải cứ có hai bên chủ thể bày tỏ ý chí thì có thể hình thành nên hợp đồng. Hợp đồng chỉ có thể được hình thành nếu sự thỏa thuận của các bên đạt được đến sự thống nhất tức là ý chí của hai bên đã đồng thuận và cùng chấp nhận một hậu quả pháp lý sẽ hình thành khi hợp đằng được giao kết.
– Các bên thỏa thuận phải có hậu quả pháp lý làm xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự. Không phải mọi sự thỏa thuận và có sự thống nhất ý chí của hai hay nhiều bên thì đều hình thành nên hợp đồng. Ví dụ như thỏa thuận một vụ đi chơi, thỏa thuận cuộc hẹn… không phải là hợp đồng vì nó không hề làm phát sinh, thay đổi hay chấm dứt bất kỳ sự kiện pháp lý nào. Chỉ khi những thỏa thuận có hậu quả pháp lý mới hình thành nên hợp đồng.