Hợp đồng hợp tác kinh doanh (sau đây gọi là hợp đồng BCC) là hợp đồng được ký giữa các nhà đầu tư nhằm hợp tác kinh doanh phân chia lợi nhuận, phân chia sản phẩm mà không thành lập tổ chức kinh tế (Luật đầu tư 2104). Hợp đồng BCC được ký kết giữa các nhà đầu tư trong nước thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự. Chi tiết quy định của pháp luật về Hợp đồng hợp tác được thể hiện trong bài viết sau đây:
Chủ thể của hợp đồng hợp tác
Theo Điều 504, BLDS 2015 quy định “Hợp đồng hợp tác là sự thỏa thuận giữa các cá nhân, pháp nhân…”.Như vậy có thể thấy chủ thể của hợp đồng này bao gồm cá nhân, pháp nhân, là những chủ thể chung của hợp đồng dân sự.
Đối với cá nhân . Tuy không phân biệt quốc tịch nhưng khi tham gia quan hệ hợp đồng phải có năng lực pháp luật và năng lực hành vi dân sự. Trong đó, yêu cầu có năng lực hành vi dân sự là một trong những điều kiện để hợp đồng có hiệu lực. Việc xác định tư cách chủ thể của cá nhân khi tham gia vào hợp đồng phụ thuộc vào mức độ năng lực hành vi dân sự của họ
Đối với pháp nhân. Pháp nhân là chủ thể của hợp đồng nói chung và hợp đồng hợp tác nói riêng thì phải đáp ứng đủ các điều kiện được quy định tại Điều 74, BLDS 2015. Pháp nhân là tập thể nên năng lực hành vi dân sự của chủ thể này không biểu hiện trực tiếp bằng hành vi và ý chí của một con người cụ thể, mà được thể hiện bởi ý chí chung của các thành viên và được thực hiện thông qua hành vi của người đại diện.
Đối tượng của hợp đông hợp tác
Theo Điều 504, quy định “Hợp đồng hợp tác là sự thỏa thuận giữa các cá nhân, pháp nhân về việc cùng đóng góp tài sản, công sức để thực hiện công việc nhất định…”. Như vậy có thể thấy đối tượng của hợp đồng hợp tác là công việc xác định mà các bên thỏa thuận
Nội dung của hợp đồng hợp tác
Theo quy định tại Điều 505, BLDS 2015 thì hợp đồng hợp tác có các nội dung chủ yếu sau:
- Mục đích, thời hạn hợp tác;
- Họ, tên, nơi cư trú của cá nhân; tên, trụ sở của pháp nhân;
- Tài sản đóng góp, nếu có;
- Đóng góp bằng sức lao động, nếu có;
- Phương thức phân chia hoa lợi, lợi tức;
- Quyền, nghĩa vụ của thành viên hợp tác;
- Quyền, nghĩa vụ của người đại diện, nếu có;
- Điều kiện tham gia và rút khỏi hợp đồng hợp tác của thành viên, nếu có;
- Điều kiện chấm dứt hợp tác.
Ngoài ra, các bên ký kết hợp đồng hợp tác có quyền được tự do thỏa thuận thêm những điều khoản khác phù hợp với ý chí của mình và không trái với những quy định của pháp luật.
Hệ quả pháp lý của việc ký kết hợp đồng hợp tác
Khi hợp đồng hợp tác phát sinh hiệu lực pháp luật, một nhóm hợp tác sẽ được thành lập, gồm tất cả các bên tham gia vào hợp đồng hợp tác.
Nhóm hợp tác bao gồm các thành viên là các bên tham gia kí kết hợp đồng hợp tác. Nhóm hợp tác không có tư cách pháp nhân, mọi hành vi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự được thực hiện với tư cách độc lập của các thành viên; ở đây là chính các thành viên sẽ tự mình thực hiện các công việc, thỏa thuận trong hợp đồng, nếu các thành viên thỏa thuận cử người đại diện thì người đó sẽ là người đại diện thực hiện, xác lập các giao dịch dân sự (điều 508 Bộ luật dân sự).