Theo quy định của pháp luật, chủ sở hữu tài sản có quyền sử dụng, chiếm hữu và định đoạt tài sản của mình, trong đó bao gồm cả quyền cho người khác mượn tài sản. Và việc mượn tài sản cũng là một giao dịch dân sự, nên lập thành hợp đồng, có thỏa thuận rõ ràng, tránh dẫn đến hậu quả bị mất tài sản hay xảy ra tranh chấp
Điều 494 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về hợp đồng mượn tài sản như sau: Hợp đồng mượn tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho mượn giao tài sản cho bên mượn để sử dụng trong một thời hạn mà không phải trả tiền, bên mượn phải trả lại tài sản đó khi hết thời hạn mượn hoặc mục đích mượn đã đạt được.
Trong hợp đồng này, bên cho mượn tài sản đã chuyển giao cho bên mượn một lợi ích là quyền sử dụng tài sản trong một thời hạn nhất định nhưng bên mượn tài sản không phải chuyển gia lại cho bên mượn lợi ích nào. Hết thời hạn, bên mượn phải trả lại chính tài sản đã mượn cho bên cho mượn nên đối tượng của hợp đồng này không thể là vật tiêu hao (ví dụ xe máy, quạt, máy tính,…) vì vật tiêu hao là vật sau khi đã qua một lần sử dụng thì mất đi hoặc không giữ được tính chất, hình dáng và tính năng sử dụng ban đầu (ví dụ gạo, nước, bánh kẹo…)
Bên cho mượn tài sản có nghĩa vụ: Cung cấp thông tin cần thiết về việc sử dụng tài sản và khuyết tật của tài sản, nếu có; Thanh toán cho bên mượn chi phí sửa chữa, chi phí làm tăng giá trị tài sản, nếu có thỏa thuận; Bồi thường thiệt hại cho bên mượn nếu biết tài sản có khuyết tật mà không báo cho bên mượn biết dẫn đến gây thiệt hại cho bên mượn, trừ những khuyết tật mà bên mượn biết hoặc phải biết.
Nếu không hiểu rõ quy định của pháp luật về hợp đồng mượn tài sản, dễ dẫn đến tình trạng tranh chấp, khiến người mượn hoặc người cho mượn không bảo vệ được các quyền hợp pháp của mình. Do đó tìm hiểu về các vấn đề liên quan đến hợp đồng mượn tài sản là việc vô cùng cần thiết.