Hợp đồng được xác lập dựa trên cơ sở thoả thuận được xem là kết quả của sự thống nhất ý chí tự nguyện của các bên. Nó là nguồn làm phát sinh quyền và nghĩa vụ pháp lý của các bên.
Hợp đồng theo mẫu là gì?
Hợp đồng được xác lập dựa trên cơ sở thoả thuận được xem là kết quả của sự thống nhất ý chí tự nguyện của các bên. Nó là nguồn làm phát sinh quyền và nghĩa vụ pháp lý của các bên.
Tuy nhiên đối với hợp đồng mẫu thì lại có những điểm khác biệt nhất định được quy định tại khoản 1 Điều 405 Bộ luật Dân sự 2015:
- là hợp đồng gồm những điều khoản do một bên đưa ra theo mẫu
- để bên kia trả lời trong một khoảng thời gian hợp lý;
- nếu bên được đề nghị trả lời chấp nhận thì coi như chấp nhận toàn bộ nội dung hợp đồng theo mẫu mà bên đề nghị đã đưa ra.
Bên được đề nghị giao kết hợp đồng chỉ có quyền chấp nhận hoặc từ chối toàn bộ nội dung hợp đồng mà không có quyền thoả thuận sửa đổi về nội dung hợp đồng.
Đặc điểm này thực chất xuất phát từ việc hợp đồng theo mẫu được dùng cho nhiều lần giao dịch khác nhau. Hợp đồng này thường là của nhà cung cấp đưa ra cho người tiêu dùng, khách hàng và khách hàng chỉ có thể chấp nhận hoặc từ chối.
Điều kiện giao dịch chung là gì?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 406 về điều kiện giao dịch chung
- là những điều khoản ổn định do một bên công bố
- để áp dụng chung cho bên được đề nghị giao kết hợp đồng;
- nếu bên được đề nghị chấp nhận giao kết hợp đồng thì coi như chấp nhận cả các điều khoản này.
Trước hết, điều kiện giao dịch chung được hiểu là những điều khoản soạn sẵn do một chủ thể soạn sẵn để sử dụng nhiều lần và bên còn lại không có cơ hội để đàm phán thay đổi nội dung mà chỉ có khả năng chấp thuận hoặc từ chối điều khoản.
Và có thể thấy rằng điều kiện giao dịch chung trong giao kết hợp đồng được xác định dựa trên các tiêu chí:
(i) được soạn thảo trước;
(ii) được áp dụng nhiều lần và lặp lại;
(iii) có một bên không được đàm phán, thương lượng để thay đổi các điều khoản này
Điều kiện giao dịch chung được đưa ra không phải là chỉ hướng đến một đối tượng nhất định mà là để áp dụng cho một nhóm đối tượng trong một lĩnh vực nhất định và lâu dài.
Đặc điểm này thể hiện sự khác biệt so với hợp đồng mẫu là nếu hợp đồng mẫu là để cá biệt hoá thì điều kiện giao dịch chung lại thường mang tính chuẩn mực khái quát cao hơn được áp dụng trong ngành hoặc một lĩnh vực nhất định.
So sánh hợp đồng theo mẫu và điều kiện giao dịch chung
Điểm giống
(i) hợp đồng theo mẫu và điều kiện giao dịch chung đều là những nội dung do một bên soạn sẵn, đưa ra và sẽ trở thành nội dung của hợp đồng nếu được bên kia chấp nhận;
(ii) cả hợp đồng theo mẫu và điều kiện giao dịch chung đều có tính ổn định và chuẩn hoá cao giúp cho việc tham gia giao kết hợp đồng của các bên được nhanh chóng và giảm thiểu những tranh chấp có thể xảy ra.
Điểm khác
(i) điều kiện giao dịch chung khác hợp đồng theo mẫu ở chỗ điều kiện giao dịch chung là các nội dung hợp đồng soạn sẵn được sử dụng để hình thành nên các quan hệ hợp đồng chứ bản thân điều kiện giao dịch chung không phải là hợp đồng như hợp đồng theo mẫu;
(ii) trên thực tế thì thường hợp đồng theo mẫu bao gồm hai bộ phận là những thông tin cơ bản của hai bên và điều khoản được soạn sẵn nội dung. Còn điều kiện giao dịch chung chỉ có một bộ phận thống nhất và không thay đổi đó là các điều khoản được soạn sẵn.
Việc điều chỉnh các điều khoản được soạn sẵn do một bên đưa ra trong các quy định của luật sẽ không chỉ bảo vệ cho một đối tượng mà còn trong mọi lĩnh vực.