Xây dựng thương hiệu chưa bao giờ là chuyên dễ dàng đối với bất cứ người kinh doanh nào. Có người xây dựng thương hiệu dựa vào uy tín, có người bắt đầu với những chiến thuật cụ thể, cũng có người đi bước nào tính bước ấy. Theo thông kê, có 03 cấp độ xây dựng thương hiệu sau đây:
Thứ nhất: “Hữu xạ tự nhiên hương”.
Tức là thế nào? Ông chủ kinh doanh không quan tâm đến nhãn hiệu mà chỉ tập trung vào sản phẩm. Ở cấp độ này, người kinh doanh mang trong mình niềm tin mãnh liệt rằng: sản phẩm tốt, thương hiệu phát triển!
Hiển nhiên quan điểm này không sai. Khách hàng là người đánh giá sản phẩm, sản phẩm có tốt thì mới đi vào lòng người tiêu dùng.
Thế nhưng quan điểm này rủi ro lại quá lớn, dễ dẫn đến “mất bò mới lo làm chuồng”. Nếu không có thương hiệu cụ thể, tệp khách hàng sẽ chủ yếu tập trung vào một nhóm nhỏ gồm những khách quen, khó mở rộng thị trường và phát triển thương hiệu. “Tiếng lành đồn xa” chỉ có thể áp dụng nếu “tiếng lành” gắn với một thương hiệu nhất định và được công nhận mà thôi.
Thứ hai: chuẩn hóa thương hiệu sau kinh doanh
Các doanh nghiệp này tập trung vào kinh doanh một thời gian dài, sau khi thành công rồi mới quay lại chuẩn hoá về thương hiệu.
Có nhiều doanh nghiệp quy mô lớn hơn nhiều cũng làm tương tự thế này. Làm, sai, điều chỉnh. Tái cấu trúc cơ cấu sản phẩm, ưu tiên nhóm khách hàng mục tiêu. Thu hẹp để mở rộng. Tôi hay gặp và nghe anh chị doanh nghiệp tâm sự: tôi chẳng biết gì về thương hiệu đâu, cứ thay đổi tốt hơn để bán nhiều hàng hơn thôi.
Thực ra họ đang branding khá bền vững – thương hiệu lấy nền tảng kinh doanh làm lõi. Tập trung ưu tiên nhóm khách hàng mục tiêu với nhóm sản phẩm chiến lược. Các chuyên gia Tây ta gọi đó là Brand positioning – định vị thương hiệu.
Tuy nhiên, điều tiên quyết là “thương hiệu” vẫn còn ở đó, không bị đối thủ cạnh tranh đánh cắp.
Thứ ba: Xây dựng thương hiệu song song với phát triển kinh doanh
Điều đó đòi hỏi người kinh doanh phải có định hướng, chiến lược rõ ràng ngay từ những ngày đầu dựng nghiệp. Như vậy thương hiệu sẽ “xoắn” lấy các kế hoạch kinh doanh, không thể tách rời. Kinh doanh thuận lợi, thương hiệu phát triển. Kinh doanh lụi tàn, thương hiệu cũng mất dần giá trị. Từng kế hoạch dù nhỏ, dù lớn sẽ đều liên quan và tác động đến thương hiệu.
Ở cấp độ này, người kinh doanh sẽ dễ dàng kiểm soát và thúc đẩy sự phát triển của thương hiệu cũng như chiến lược kinh doanh.
Tuy nhiên, dù ở cấp độ nào, một công đoạn luôn phải đảm bảo để giữ được thương hiệu đó là đăng ký thương hiệu. Nếu không có bước này, có thể mọi công sức của bạn đều đổ sông đổ bể, dù ở cấp độ nào đi chăng nữa.