Dịch vụ logistics tuy còn là một hoạt động thương mại khá mới mẻ ở Việt Nam nhưng lại có vai trò rất lớn đối với hoạt động của doanh nghiệp cũng như nền kinh tế.
Logistics là gì ?
Theo Hội đồng chuyên gia quản lí chuỗi cung ứng Hoa Kỳ:”Logistics là quá trình lập kế hoạch, thực hiện và kiểm soát các thủ tục cho việc vận chuyển hiệu quả và lưu trữ hàng hóa bao gồm cả các dịch vụ và thông tin liên quan từ điểm xuất xứ đến điểm tiêu thụ cho các mục đích phù hợp với yêu cầu của khách hàng và bao gồm đầu vào, đầu ra, chuyển động bên trong và bên ngoài”.
Xét từ khía cạnh quản trị các chuỗi cung ứng: ”Logistics là một bộ phận cấu thành hoạt động của chuỗi cung ứng, bao gồm việc lên kế hoạch và kiểm soát hiệu quả dòng chảy của hàng hóa theo cả hai chiều từ điểm sản xuất đến điểm tiêu thụ theo yêu cầu của khách hàng”.
Trong hoạt động thương mại, logistics được hiểu là quá trình chuyển dịch nguồn lực, sản phẩm theo nhu cầu của khách hàng được thực hiện một cách có kế hoạch, chi tiết, được kiểm soát chặt chẽ nhằm giảm thiểu tối đa chi phí và thời gian.
Dịch vụ logistics là gì ?
Theo quy định tại điều 233 Luật thương mại 2005 thì :“Dịch vụ logistics là hoạt động thương mại, theo đó thương nhân tổ chức thực hiện một hoặc nhiều công việc bao gồm nhận hàng, vận chuyển, lưu kho, lưu bãi, làm thủ tục hải quan, các thủ tục giấy tờ khác, tư vấn khách hàng, đóng gói bao bì, ghi ký mã hiệu, giao hàng hoặc các dịch vụ khác có liên quan đến hàng hoá theo thoả thuận với khách hàng để hưởng thù lao. Dịch vụ logistics được phiên âm theo tiếng Việt là dịch vụ lô-gi-stíc.”
Trên cơ sở xem xét các quan điểm khác nhau về dịch vụ này, ta có thể hiểu logistics theo hai cách cơ bản sau đây:
–Theo nghĩa hẹp:
Tiêu biểu là định nghĩa của Luật thương mại 2005, logistics được coi gần như tương tự với hoạt động giao nhận hàng hóa. Theo cách hiểu này thì dịch vụ logistics có bản chất là tập hợp các yếu tố hỗ trợ cho quá trình vận chuyển sản phẩm từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ. Với cách hiểu này dịch vụ logistics mang nhiều yếu tố vận tải, người cung cấp dịch vụ theo khái niệm này không có nhiều khác biệt so với người cung cấp dịch vụ vận tải đa phương thức.
–Theo nghĩa rộng:
Hoạt động dịch vụ logistics có phạm vi rộng hơn, bắt đầu từ giai đoạn tiền sản xuất cho đến khi hàng hóa tới tay người tiêu dùng cuối cùng. Theo cách hiểu này, dịch vụ logistics gắn liền cả quá trình nhập nguyên, nhiên vật liệu đầu vào đến sản xuất ra hàng hóa và đưa vào các kênh lưu thông, phân phối để đến tay người tiêu dùng cuối cùng.
Nhóm định nghĩa này góp phần phân định rõ ràng giữa các nhà cung cấp dịch vụ đơn lẻ như dịch vụ vận tải, giao nhận, khai thuế hải quan, phân phối…với một nhà cung cấp dịch vụ logistics chuyên nghiệp, người sẽ đảm nhận toàn bộ các khâu trong quá trình hình thành và đưa hàng hóa đến tay người tiêu dùng cuối cùng, đòi hỏi các nhà cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp này phải có khả năng thực hiện những công việc có tính chuyên môn hóa cao, có chuyên môn, nghiệp vụ vững vàng để cung cấp dịch vụ mang tính “trọn gói” cho các nhà sản xuất.