Điều 166, Luật thương mại 2005 quy định: “Đại lý thương mại là hoạt động thương mại, theo đó bên giao đại lý và bên đại lý thỏa thuận việc bên địa lý nhân danh chính mình mua, bán hàng hóa cho bên giao đại lý hoặc cung ứng dịch vụ của bên giao đại lý cho khách hàng để hưởng thù lao.” Theo quy định của Luật thương mại Việt Nam hiện hành, đại lý thương mại có những đặc điểm cơ bản sau:
Thứ nhất, đặc điểm về chủ thể:
Trong quan hệ đại lý có sự tham gia của ba bên chủ thể: bên giao đại lý, bên đại lý và bên thứ ba. Trong đó, song song tồn tại hai nhóm quan hệ: thứ nhất là quan hệ giữa bên giao đại lý và bên đại lý; thứ hai là quan hệ giữa bên đại lý và bên thứ ba. Các quan hệ này phát sinh trên cơ sở hợp đồng.
Bên giao đại lý có ủy quyền cho bên đại lý thực hiện việc mua bàn hàng hóa, cung ứng dịch vụ cho mình thì bên đại lý mới được nhân danh chính mình tiến hành giao dịch thương mại với bên thứ ba vì lợi ích của bên giao đại lý.
Thứ hai, bên đại lý nhân danh chính mình tiến hành giao dịch thương mại với bên thứ ba vì lợi ích của bên giao đại lý để hưởng thù lao:
Đây là một đặc điểm quan trọng của đại lý thương mại. Bên đại lý phải là thương nhân, có tư cách pháp lý hoàn toàn độc lập với bên giao đại lý và bên thứ ba. Họ có trụ sở riêng, tự định đoạt thời gian làm việc, thực hiện mọi quyền hạn có được của mình và tự chịu trách nhiệm về những hoạt động đó.
Mặc dù có tư cách pháp lý độc lập, bên đại lý thực hiện việc mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ không vì lợi ích của bản thân mà vì lợi ích của bên giao đại lý. Lợi ích mà họ nhận được trong hoạt động kinh doanh này không phải lợi nhuận từ việc mua bán hàng hóa mà là thù lao họ nhận được từ bên thuê dịch vụ khi họ hoàn thành công việc của mình.
Thứ ba, phạm vi hoạt động của đại lý thương mại:
Luật thương mại 2005 quy định đại lý thương mại không chỉ hoạt động trong lĩnh vực mua bán hàng hóa mà còn cả cung ứng dịch vụ. Đối với các loại hàng hóa, dịch vụ kinh doanh cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện thì đại lý phải tuân thủ những quy định của Nghị định 59/2006/NĐ-CP ngày 13/06/2006 Quy định chi tiết Luật thương mại 2005 về hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện.
Thứ tư, cơ sở phát sinh đại lý thương mại:
Quan hệ đại lý thương mại được xác lập bằng hợp đồng, được gọi là hợp đồng đại lý. Hợp đồng đại lý được giao kết giữa thương nhân giao đại lý và thương nhân làm đại lý. Theo Điều 168 Luật thương mại, “Hợp đồng đại lý phải được lập thành văn bản hoặc bằng hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương”.