Hàng ngày, chúng ta tham gia rất nhiều giao dịch khác nhau để phục vụ cho đời sống sinh hoạt, có một khái niệm rất phổ biến: “Giao dịch dân sự”. Vậy có phải ai cũng hiểu rõ về loại giao dịch này?
Điều 116 Bộ luật Dân sự năm 2015 định nghĩa Giao dịch dân sự như sau “Giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự”.
Hậu quả của việc xác lập giao dịch dân sự là làm phát sinh , thay đổi hoặc chấm dứt quyền , nghĩa vụ dân sự của chủ thể trong quan hệ pháp luật dân sự. Giao dịch dân sự là một sự kiện pháp lí làm phát sinh hậu quả pháp lí . Tùy từng giao dịch cụ thể mà làm phát sinh , thay đổi hoặc chấm dứt quan hệ dân sự . Giao dịch dân sự là hành vi mang tính ý chí của chủ thể tham gia giao dịch ,với những mục đích và động cơ nhất định .
Giao dịch dân sự phải là sự thống nhất giữa ý chí và bày tỏ ý chí . Nếu thiếu sự thống nhất này giao dịch sẽ bị tuyên bố vô hiệu hoặc sẽ vô hiệu.
“Mục đích của giao dịch dân sự là lợi ích mà chủ thể mong muốn đạt được khi xác lập giao dịch đó”. (Điều 118. Bộ luật Dân sự năm 2015)Đó chính là hậu quả pháp lí phát sinh từ giao dịch mà các bên mong muốn đạt được . Nói cách khác , mục đích ở đây luôn mang tính pháp lí . Mục đích pháp lí đó sẽ trở thành hiện thực , nếu trong giao dịch thực hiện đúng nghĩa vụ của mình theo quy định mà pháp luật đề ra , ko trái với điều luật .
Bên cạnh đó , pháp luật cũng đặt ra một số yêu cầu tối thiểu buộc các chủ thể phải tuân thủ – đó là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự . Các điều kiện đó được quy định tại Điều 117 Bộ luật Dân sự năm 2015:
“1. Giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;
b) Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện;
c) Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.
2. Hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong trường hợp luật có quy định.”