Nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư nhằm mục đích lợi nhuận. Tuy nhiên vì một số lý do như thay đổi tình hình kinh tế, xã hội, khó khăn về vốn, V/v mà dự án đầu tư mất đi khả năng sinh lời. Trường hợp này nhà đầu tư có thể chuyển dự án đầu tư cho nhà đầu tư khác thông qua hoạt động mua bán. Pháp luật cho phép nhà đầu tư được mua bán dự án nhằm tạo điều kiện linh hoạt cho các nhà đầu tư và đảm bảo dự án được tiếp tục thực hiện.
Quy định của pháp luật về mua bán dự án đầu tư
Điều kiện mua bán dự án đầu tư:
Luật Đầu tư 2014 quy định nhà đầu tư được quyền mua bán một phần hoặc toàn bộ dự án đầu tư của mình cho nhà đầu tư khác. Tuy nhiên do liên quan đến hoạt động đầu tư mà nhà đầu tư mua và nhà đầu tư bán phải đáp ứng các điều kiện sau
– Dự án đầu tư không thuộc một trong các trường hợp bị chấm dứt hoạt động theo quy định tại Điều 48 Luật Đầu tư.
– Trường hợp nhà đầu tư nước ngoài mua dự án đầu tư thuộc ngành, nghề đầu tư có điều kiện áp dụng với nhà đầu tư nước ngoài thì cần đáp ứng trước khi mua bán. Các điều kiện này được quy định trong Biểu cam kết của Việt Nam trong WTO, hiệp định quốc tế mà Việt Nam ký kết và trong pháp luật Việt Nam.
– Trường hợp mua bán dự án gắn với quyền sử dụng đất. Nhà đầu tư phải tuân thủ các điều kiện theo quy định của Luật Đất đai 2013, Luật Kinh doanh bất động sản 2014.
– Tuân thủ các điều kiện quy định tại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc theo quy định khác của pháp luật có liên quan (nếu có).
Trường hợp mua bán mà phát sinh thu nhập, nhà đầu tư bán dự án phải thực hiện nghĩa vụ về thuế theo quy định của pháp luật.
Hồ sơ mua bán án đầu tư:
Hồ sơ mua bán dự án được nhà đầu tư nộp tại Sở Kế hoạch và Đầu tư. Gồm các giấy tờ:
– Văn bản đề nghị điều chỉnh dự án đầu tư;
– Báo cáo tình hình thực hiện dự án đầu tư đến thời điểm mua bán dự án. Nhà đầu tư có thể sử dụng tài liệu khác có giá trị pháp lý tương đương;
– Hợp đồng mua bán dự án đầu tư giữa nhà đầu tư bán và nhà đầu tư mua dự án. Nhà đầu tư có thể sử dụng tài liệu khác có giá trị pháp lý tương đương;
– Bản sao các giấy tờ chứng minh tư cách của nhà đầu tư
+ CMND, căn cước công dân hoặc hộ chiếu đối với nhà đầu tư là cá nhân;
+ Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc tài liệu khác có giá trị pháp lý tương đương của tổ chức là thành viên của nhà đầu tư mua dự án.
– Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc văn bản quyết định chủ trương đầu tư (nếu có);
– Trường hợp dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC thì phải có bản sao Hợp đồng BCC.
Ngoài ra nhà đầu tư nhận mua dự án cần có giấy tờ chứng minh năng lực tài chính: báo cáo tài chính 02 năm gần nhất; cam kết hỗ trợ tài chính của công ty mẹ; cam kết hộ trợ tài chính của tổ chức tài chính; bảo lãnh về năng lực tài chính của nhà đầu tư; tài liệu thuyết minh năng lực tài chính của nhà đầu tư.
Thủ tục mua bán dự án đầu tư:
Thủ tục thay đổi nhà đầu tư khi mua bán dự án đầu tư được quy định trong Nghị định số 118/2015/NĐ-CP. Căn cứ vào giá trị đầu tư mà dự án được phân thành dự án phải có chấp thuận chủ trương đầu tư và dự án không cần chấp thuận chủ trương đầu tư. Ba cơ quan có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư là Quốc hội, Thủ tướng chính phủ và UBND cấp tỉnh. Cần lưu ý dự án có cần chấp thuận hay không vì đây sẽ là căn cứ để xác định thẩm quyền giải quyết hồ sơ mua bán dự án đầu tư.
Dự án không thuộc diện quyết định chủ trương đầu tư:
Nhà đầu tư bán dự án đầu tư nộp 01 bộ hồ sơ cho Sở Kế hoạch và Đầu tư. Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ. Sở Kế hoạch và Đầu tư xem xét điều kiện mua bán dự án để điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Dự án thuộc diện quyết định chủ trương đầu tư:
UBND cấp tỉnh:
Nhà đầu tư bán dự án nộp 04 bộ hồ sơ cho Sở Kế hoạch và Đầu tư. Thẩm quyền quyết định thuộc về UBND cấp tỉnh nơi có dự án đầu tư. Văn bản quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư của UBND cấp tỉnh sẽ là căn cứ để Sở Kế hoạch và Đầu tư điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Trong thời hạn 03 ngày là việc kể từ ngày nhận được văn bản của UBND cấp tỉnh. Sở Kế hoạch và Đầu tư điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho nhà đầu tư nhận mua dự án.
Thời gian giải quyết chậm nhất là 28 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ.
Thủ tướng Chính phủ:
Nhà đầu tư bán dự án đầu tư nộp 08 bộ hồ sơ cho Sở Kế hoạch và Đầu tư. Thẩm quyền quyết định thuộc về Thủ tướng Chính phủ. Sở Kế hoạch và Đầu tư chỉ điều chỉnh Giấy chứng nhận khi nhận được văn bản quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư của Thủ tướng.
Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản của Thủ tướng Chính phủ. Sở Kế hoạch và Đầu tư điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho nhà đầu tư nhận mua dự án.
Thời gian giải quyết chậm nhất là 47 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ.
Lưu ý khi làm thủ tục mua bán dự án đầu tư:
– Trường hợp dự án đầu tư thuộc diện quyết định chủ trương đầu tư thì có thay đổi về số lượng hồ sơ, thẩm quyền và thời gian giải quyết. Tuy nhiên cơ quan tiếp nhận hồ sơ vẫn là Sở Kế hoạch và Đầu tư.
– Dự án đầu tư không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận đầu tư thì thủ tục thay đổi được thực hiện theo khoản 3, khoản 4 Điều 47 Nghị định số 118/2015/NĐ-CP.
– Đối với dự án đầu tư đã được quyết định chủ trương đầu tư và nhà đầu tư đã hoàn thành góp vốn, huy động vốn và đưa dự án vào khai thác, vận hành. Khi mua bán dự án không phải thực hiện thủ tục điều chỉnh quyết định định chủ trương đầu tư.