Tư cách pháp nhân là gì? Hình thức doanh nghiệp nào có tư cách này?
Tư cách pháp nhân là gì?
Pháp nhân là một tổ chức (một chủ thể pháp luật) có tư cách pháp lý độc lập, có thể tham gia vào các hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội,… theo quy định của pháp luật. Đây là một khái niệm trong luật học dùng để phân biệt với thể nhân (cá nhân). Nếu một tổ chức có “tư cách pháp nhân” thì tổ chức đó có đầy đủ quyền và nghĩa vụ của một pháp nhân mà luật đã quy định.
Điều kiện để có tư cách pháp nhân
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 74 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định:
Một tổ chức được công nhận là có tư cách pháp nhân khi có đủ các điều kiện sau đây:
- Được thành lập theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan;
- Có cơ cấu tổ chức theo quy định tại Điều 83 của Bộ luật này;
- Có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình
- Nhân danh mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập.
Tư cách pháp nhân đối với các hình thức doanh nghiệp
- Doanh nghiệp có tư cách pháp nhân: Các thành viên chịu trách nhiệm hữu hạn, tức là chỉ chịu trách nhiệm trong phạm vi phần vốn góp vào doanh nghiệp (trừ trường hợp thành viên hợp danh của công ty hợp danh, có thể phải liên đới chịu trách nhiệm thanh toán hết số nợ còn lại của công ty, nếu tài sản của công ty không đủ để trang trải nợ). Khi các khoản nợ vượt quá tổng giá trị tài sản của công ty thì công ty chỉ phải thanh toán hết số tài sản của công ty cho chủ nợ mà thành viên trong công ty không cần phải bỏ ra tài sản cá nhân của mình để hoàn trả số nợ còn thiếu. Các doanh nghiệp có tư cách pháp nhân là: Công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, doanh nghiệp nhà nước, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã
- Doanh nghiệp không có tư cách pháp nhân: Điển hình của loại doanh nghiệp không có tư cách pháp nhân là doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh. Do hai loại hình doanh nghiệp này không có sự độc lập về tài sản giữa doanh nghiệp và chủ doanh nghiệp.