Giao dịch dân sự có lẽ không phải thuật ngữ mới đối với các chủ thể kinh doanh tại Việt Nam. Vậy giao dịch dân sự là gì? Giao dịch dân sự có phải là hợp đồng dân sự hay không ?
Thứ nhất, giao dịch dân sự là gì?
Có rất nhiều khái niệm khác nhau về giao dịch dân sự, nhưng có thể hiểu thống nhất theo quy định tại điều 116 BLDS 2015 như sau : “Giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự”.
Như vậy giao dịch dân sự bao gồm hai loại :
+ Hợp đồng
+ Hành vi pháp lý đơn phương
Theo đó hình thức pháp lý của giao dịch dân sự có thể là lời nói, hành vi hoặc bằng văn bản. Với quy định này tạo nên sự linh động cho các chủ thể tham gia vào các giao dịch dân sự có thể lựa chọn phương thức giao dịch dân sự phù hợp.
Thứ hai, về mục đích của giao dịch dân sự
Theo quy định tại Điều 118 của Bộ luật này thì mục đích của giao dịch dân sự có thể hiểu là lợi ích mà các chủ thể tham gia muốn đạt được. Lợi ích ở đây có thể là lợi ích về vật chất hoặc lợi ích về tinh thần.
Thứ ba, về điều kiện để giao dịch dân sự có hiệu lực :
Để giao dịch dân sự có hiệu lực cần đáp ứng những điều kiện sau :
+ Điều kiện về chủ thể : Chủ thể tham gia vào giao dịch dân sự cần phải có năng lực pháp luật dân sự phù hợp với giao dịch dân sự muốn xác lập và hoàn toàn tự nguyện. Nguyên tắc tự nguyện không chỉ là điều kiện của giao dịch dân sự mà còn là nguyên tắc của pháp luật dân sự nói chung.
+ Điều kiện về tính hợp pháp : Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không được trái với các quy định của pháp luật.