Thuế thu nhập doanh nghiệp là thuế trực thu đánh vào thu nhập sau khi trừ đi các khoản chi phí hợp lý, hợp pháp liên quan đến thu nhập của đối tượng nộp thuế.
Thuế thu nhập doanh nghiệp là thuế trực thu, tức là người chịu thuế và người nộp thuế là cùng một chủ thể. Đây cũng là điểm khác biệt giữa thuế thu nhập doanh nghiệp với thuế tiêu dùng nói chung. Đối với thuế tiêu dùng là loại thuế gián thu đánh vào việc sử dụng thu nhập của người dân, thông qua việc người dân sử dụng thu nhập để mua hàng hoá, dịch vụ tiêu dùng, phần thu nhập mà Nhà nước lấy đi của họ được cộng vào trong giá bán của hàng hoá, dịch vụ. Vì thế, người chịu thuế, người nộp thuế là không đồng nhất (người tiêu dùng là người chịu thuế, người kinh doanh hàng hoá, cung ứng dịch vụ là người nộp thuế).
Chủ thể quan hệ pháp luật thuế thu nhập doanh nghiệp gồm có:
- Người nộp: Người nộp thuế thu nhập doanh nghiệp là tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có thu nhập chịu thuế, bao gồm: Doanh nghiệp thành lập theo pháp luật Việt Nam; đơn vị sự nghiệp công lập, ngoài công lập; tổ chức thành lập theo Luật Hợp tác xã và các tổ chức khác.
Theo quy định của Luật Thuế TNDN thì một tổ chức sẽ là đối tượng nộp thuế thu nhập doanh nghiệp khi đáp ứng hai điều kiện sau:
Thứ nhất, có sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ hay còn gọi là có hành vi kinh doanh.
Thứ hai, có thu nhập phát sinh. Dấu hiệu có thu nhập phát sinh là căn cứ phát sinh nghĩa vụ kê khai, nộp thuế, quyết toán thuế của đối tượng nộp thuế. Tuy nhiên, thu nhập phát sinh ở đây phải là thu nhập chịu thuế theo quy định của pháp luật thuế TNDN. Thu nhập chịu thuế là thu nhập từ hoạt động sản xuất kinh doanh và các thu nhập khác: Thu nhập từ chuyển nhượng vốn/bất động sản/ quyền sở hữu/ quyền sử dụng tài sản; chuyển nhượng cho thuế thanh lý tài sản; lãi tiền gửi, cho vay vốn, bán ngoại tệ;…
- Người thu: Do thuế thu nhập doanh nghiệp là loại thuế nội địa không bị giới hạn bởi địa giới hành chính nên chủ thể được nhân danh Nhà nước thực hiện quyền thu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với đối tượng nộp thuế là cơ quan thuế các cấp: gồm có Tổng cục thuế, Cục thuế và Chi cục thuế.
Thuế TNDN có vai trò quan trọng trong nền kinh tế: Giống với các loại thuế khác, thuế thu nhập doanh nghiệp góp phần tạo nguồn thu cho Ngân sách Nhà nước và điều tiết hoạt động kinh tế. Ngoài ra, thuế TNDN còn có những vai trò đặc thù là tái phân phối thu nhập, đảm bảo công bằng xã hội; khuyến khích, thúc đẩy sản xuất kinh doanh theo chiều hướng, kế hoạch phát triển của Nhà nước; là công cụ kiểm soát thu nhập; góp phần tăng tỷ lệ tiết kiệm quốc gia, tạo điều kiện tăng đầu tư và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.