Thuế Giá trị gia tăng là gì? Thuế giá trị gia tăng được tính toán như thế nào. Trường hợp nào không phải nộp thuế giá trị gia tăng VAT ?
Trả lời:
VAT là từ viết tắt của từ tiếng Anh “Value Added Tax” có nghĩa là thuế tính trên giá trị tăng thêm, hay còn gọi là Thuế Giá trị gia tăng.
Theo quy định tại Điều 2 Luật Thuế giá trị gia tăng 2008, được sửa đổi bổ sung bởi Luật số 31/2013/QH13 ngày 19 tháng 6 năm 2013 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2014; Luật số 71/2014/QH13 ngày 26 tháng 11 năm 2014 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2015; Luật số 106/2016/QH13 ngày 06 tháng 4 năm 2016 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật quản lý thuế, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2016, theo đó:
“Thuế giá trị gia tăng là thuế tính trên giá trị tăng thêm của hàng hóa, dịch vụ phát sinh trong quá trình từ sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng.”
Thuế giá trị gia tăng là một loại thuế phổ biến và áp dụng hầu hết cho các sản phẩm, dịch vụ. Khác với các loại thuế khác, thuế giá trị gia tăng là thuế gián thu, tính trên giá trị tăng thêm của hàng hóa, dịch vụ và thông thường được cấu thành trong giá bán hàng hóa, dịch vụ đó. Vì vậy, bản chất người tiêu dùng chính là người chịu thuế trong khi đó, người nộp thuế là người bán hàng hóa sản phẩm, kinh doanh dịch vụ đó.