Theo quy định tại Điều 26 Nghị định 55/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành khoản 3 Điều 54 Bộ luật Lao động về việc cấp giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động, việc ký quỹ và danh mục công việc được thực hiện cho thuê lại lao động quy định thì thời hạn tối đa cho thuê lại lao động (CTLLĐ)không quá 12 tháng. Khi hết thời hạn này, doanh nghiệp cho thuê lại lao động không được tiếp tục cho thuê lại người lao động (NLĐ) với bên thuê lại lao động mà NLĐ thuê lại vừa hết thời hạn cho thuê lại. Như vậy, đối với các công việc cho thuê lại, các bên chỉ có thể thỏa thuận thời hạn lao động tối đa là 1 năm và không thể kéo dài thời hạn này.
Quy định này chưa làm hài lòng tất cả các chủ thể tham gia quan hệ CTLLĐ. Trên thực tế, pháp luật của hầu hết các quốc gia khác đều quy định về thời hạn cho thuê lại lao động dài hơn thời hạn cho thuê lại lao động ở Việt Nam. Đây cũng là một trong những vướng mắc được các doanh nghiệp phản ánh nhiều nhất về các quy định trong quan hệ cho thuê lại lao động của Bộ luật Lao động năm 2012. Nhiều ý kiến cho rằng thời hạn cho thuê lại lao động cần được kéo dài ra. Theo TS. Nguyễn Xuân Thu “Đứng ở góc độ bên thuê lại lao động, quy định doanh nghiệp cho thuê không được tiếp tục cho thuê lại NLĐ (NLĐ thuê lại mà hợp đồng thuê vừa hết thời hạn) là không hợp lý. Bởi lẽ dù đi thuê lại lao động nhưng tâm lý NSDLĐ thuê lại cũng mong muốn có lực lượng lao động ổn định, dài hạn để có thể xử lý tốt nhất công việc tại doanh nghiệp thuê lại”.
Tuy nhiên, cũng cần phải lưu ý rằng mục đích của CTLLĐ là khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động tạm thời của doanh nghiệp, cũng như cung cấp lao động cho những công việc thời vụ, ngắn hạn. Vì vậy mà pháp luật quy định thời hạn như vậy được xem là hợp lý. Hơn thế nữa, đứng trên góc độ NLĐ họ vẫn luôn mong muốn có được một công việc ổn định lâu dài, còn việc cho thuê lại lao động chỉ mang tính tạm thời. Nếu thực sự doanh nghiệp thuê lại lao động thấy họ phù hợp với công việc họ đang làm thì thay vì kéo dài thời gian thuê lại lao động thì hãy kí hợp đồng chính thức với họ, để quyền lợi của NLĐ được bảo đảm tối đa. Bởi bản thân quan hệ cho thuê lại lao động tiềm ẩn nhiều rủi ro cho NLĐ hơn so với quan hệ lao động trực tiếp thông thường.