Có được phép thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động hay không? Quyền và nghĩa vụ của các bên sau khi thỏa thuận chấm dứt hợp đồng là gì? Bài viết sau đây sẽ phân tích cụ thể về vấn đề này.
Trước hết, căn cứ vào Khoản 3, Điều 36 Bộ luật Lao động 2012, có thể khẳng định rằng việc thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động là hoàn toàn hợp pháp. Đây là một trong số những trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật.
Tiếp theo là câu hỏi: Sau khi chấm dứt hợp đồng lao động theo thỏa thuận, người lao động và người sử dụng lao động có quyền và nghĩa vụ gì?
Căn cứ vào Khoản 2 và Khoản 3 Điều 47, Bộ luật Lao động 2012 thì:
“2. Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên; trường hợp đặc biệt, có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày.
3. Người sử dụng lao động có trách nhiệm hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại sổ bảo hiểm xã hội và những giấy tờ khác mà người sử dụng lao động đã giữ lại của người lao động.”
Có thể thấy, người lao động sẽ không phải bồi thường gì do đây là trường hợp chấm dứt hợp đồng hợp pháp. Bên cạnh đó, theo Khoản 1 Điều 48 Bộ luật Lao động 2012, người lao động còn được hưởng trợ cấp thôi việc (chi trả bởi người sử dụng lao động) nếu đã làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên. Bạn có thể tham khảo bài viết về cách tính trợ cấp thôi việc tại đây.
Như vậy, thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động là hoàn toàn hợp pháp. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý đến các quyền và nghĩa vụ của mình khi chấm dứt hợp đồng đã đề cập ở trên. Hy vọng bài viết của diendanphapluat.vn đã giúp bạn có thêm thông tin về vấn đề này!