“Tái phạm”
Theo quy định của Bộ luật hình sự Việt Nam, tái phạm được hiểu là trường hợp đã bị kết án, chưa được xoá án tích mà lại phạm tội do cố ý hoặc phạm tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do vô ý. Như vậy, không nhất thiết tội phạm lần sau phải là tội phạm mà người phạm tội đã bị kết án, chỉ cần thỏa mãn quy định về tái phạm thì sẽ bị coi là tái phạm. Ví dụ: Một người đã từng bị kết án tội “trộm cắp tài sản”, nếu người đó chưa được xóa an tích mà tiếp tục phạm tội “cố ý giết người” thì sẽ bị coi là tái phạm.
Vậy thế nào là “tái phạm nguy hiểm” ? Đúng như cái tên của nó, tái phạm nguy hiểm thể hiện mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội, tính chất của tội phạm cao hơn so với tái phạm. Theo quy định của BLHS thì có hai trường hợp bị coi là tái phạm nguy hiểm.
– Đã bị kết án về tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xoá án tích mà lại phạm tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do cố ý. Ví dụ: một người đã từng bị kết án tội cướp giật tài sản do cố ý theo khoản 3 Điều 136 BLHS, chưa được xóa án tích mà lại phạm tội tổ chức sử dụng trái phép ma túy đối với nhiều người cũng do cố ý thì sẽ bị coi là tái phạm nguy hiểm.
– Đã tái phạm, chưa được xoá án tích mà lại phạm tội do cố ý. Ví dụ: Một người đã bị kết án đối với tội chống người thi hành công vụ, sau đó bị coi là tái phạm do phạm tội môi giới mại dâm do cố ý, người này sẽ bị coi là tái phạm nguy hiểm nếu tiếp tục phạm tội hiếp dâm trẻ em.