Trọng tài thương mại và tòa án là hai hình thức giải quyết tranh chấp thương mại phổ biến hiện nay. Vậy thẩm quyền của tòa án – cơ quan nhà nước trong hoạt động trọng tài thương mại được quy định như thế nào?
Về mối quan hệ giữa trọng tài và tòa án
Điều 6 Luật Trọng tài Thương mại 2010 quy định, một khi các bên đã thỏa thuận việc giải quyết tranh chấp thương mại bằng trọng tài thương mại thông qua một thỏa thuận trọng tài có hiệu lực, thì khi đó tòa án phải từ chối thụ lý đơn khởi kiện khi một trong các bên khởi kiện tại tòa án để giải quyết tranh chấp. Lúc này, dù không trực tiếp giải quyết, nhưng tòa án có vai trò hỗ trợ và giám sát hoạt động giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại khi một trong các bên hoặc Hội đồng trọng tài có yêu cầu.
Luật Trọng tài Thương mại 2010 cũng quy định rất rõ điều kiện để một tranh chấp thương mại có được giải quyết bằng trọng tài thương mại, cũng như các thủ tục để một tranh chấp được giải quyết bằng trọng tài thương mại. Theo đó, để một tranh chấp thương mại được giải quyết bằng trọng tài thương mại, giữa các bên phải có một thỏa thuận trọng tài, nghĩa là các bên phải có thỏa thuận về việc giải quyết bằng trọng tài đối với các tranh chấp có thể phát sinh hoặc đã phát sinh (theo khoản 2 Điều 3 Luật Trọng tài Thương mại 2010) và thỏa thuận này phải có hiệu lực.
Thẩm quyền của tòa án
Tòa án vẫn có thẩm quyền giải quyết đối với các tranh chấp có thỏa thuận trọng tài thuộc các trường hợp sau:
– Có quyết định của Tòa án huỷ phán quyết trọng tài/quyết định của Hội đồng trọng tài về việc công nhận sự thỏa thuận của các bên;
– Có quyết định đình chỉ giải quyết tranh chấp của Hội đồng/Trung tâm trọng tài;
Một số trường hợp cụ thể khác thỏa thuận trọng tài không thực hiện được:
– Đã có thỏa thuận lựa chọn Trung tâm trọng tài cụ thể nhưng Trung tâm trọng tài này đã chấm dứt hoạt động mà không có tổ chức trọng tài kế thừa, đồng thời các bên không thỏa thuận được việc lựa chọn Trung tâm trọng tài khác để giải quyết tranh chấp;
– Đã có thỏa thuận cụ thể về việc lựa chọn Trọng tài viên, nhưng vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan mà không thể tham gia giải quyết, hoặc Trung tâm trọng tài, Tòa án không thể tìm được Trọng tài viên như các bên thỏa thuận và các bên không thỏa thuận được việc lựa chọn Trọng tài viên khác để thay thế;
– Các bên đã có thỏa thuận cụ thể về việc lựa chọn Trọng tài viên trọng tài vụ việc nhưng Trọng tài viên từ chối việc được chỉ định hoặc Trung tâm trọng tài từ chối việc chỉ định Trọng tài viên và các bên không thỏa thuận được việc lựa chọn Trọng tài viên khác để thay thế;
– Doanh nghiệp và người tiêu dùng có điều khoản về thỏa thuận trọng tài được ghi nhận trong các điều kiện chung do doanh nghiệp soạn sẵn nhưng khi tranh chấp phát sinh, người tiêu dùng không đồng ý lựa chọn Trọng tài giải quyết tranh chấp.