Đăng ký nhãn hiệu rồi thì sử dụng nhãn hiệu như thế nào ?
Khi nhãn hiệu đã được đăng ký chủ sở hữu nhãn hiệu được độc quyền sử dụng và định đoạt đối với các dấu hiệu được bảo hộ. Độc quyền được hiểu dưới hai nghĩa. Thứ nhất, chủ sở hữu có quyền cho hay không cho người khác sử dụng nhãn hiệu của mình thông qua một loại hợp đồng gọi là hợp đồng li-xăng. Thứ hai, khi có hành vi xâm phạm độc quyền của mình (sử dụng mà không xin phép), chủ sở hữu nhãn hiệu có thể tự mình yêu cầu hoặc thông qua cơ quan nhà nước có thẩm quyền buộc người có hành vi xâm phạm chấm dứt hành vi xâm phạm và bồi thường thiệt hại.
Chủ sở hữu nhãn hiệu được độc quyền sử dụng nhãn hiệu trên loại sản phẩm mà mình đăng ký. Quyền sử dụng nói trên bao gồm: gắn nhãn được bảo hộ lên sản phẩm hay dịch vụ của mình, tàng trữ, lưu thông, bán, nhập khẩu, quảng cáo sản phẩm có nhãn hiệu được cấp văn bằng bảo hộ. Phạm vi bảo hộ của nhãn hiệu được hiểu không chỉ bao gồm sản phẩm có nhãn hiệu giống nhãn hiệu được mô tả trên văn bằng bảo hộ, mà cả các sản phẩm có nhãn hiệu “tương tự tới mức gây nhầm lẫn.” Đó là vì đối tượng bảo hộ của nhãn hiệu là khả năng phân biệt của sản phẩm và nguồn gốc sản phẩm. Chính vì lý do đó, mà các dấu hiệu nổi bật của nhãn hiệu phải được thể hiện rõ trong yêu cầu bảo hộ (đơn đăng ký nhãn hiệu). Khi xảy ra tranh chấp, các cơ quan có thẩm quyền phần lớn các nước đều tập trung vào vấn đề giải thích nội dung văn bằng bảo hộ để từ đó tìm ra phạm vi bảo hộ.
Một dấu hiệu nhỏ thôi cũng đủ làm thay đổi cục diện của cả một thương hiệu lớn. Tại sao còn chưa bảo vệ thương hiệu của mình bằng cách đăng ký nhãn hiệu?