Để có được quyền sở hữu trí tuệ và nhận được sự bảo hộ của pháp luật, cần phải tiến hành thủ tục nộp đơn đăng ký sáng chế, đăng ký nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp,v.v. tại cơ quan sở hữu trí tuệ. Trước khi tiến hành nộp đơn, cần phải tra cứu toàn bộ các thông tin có liên quan đến đối tượng dự định sẽ nộp đơn để biết được mức độ tương tự hoặc trùng lặp với những đối tượng đã nộp đơn đăng ký trước đó. Thông qua các thư viện điện tử trên mạng internet, chủ đơn có thể tự mình thực hiện tra cứu thông tin hoặc nộp đơn yêu cầu cơ quan sở hữu trí tuệ tra cứu nhằm đánh giá khả năng bảo hộ của đối tượng.
Trước khi quyết định lựa chọn biểu tượng (logo) cho doanh nghiệp, cần tra cứu xem có trùng hoặc tương tự với các nhãn hiệu đã được bảo hộ nhằm giảm các chi phí thuê chuyên gia thiết kế, vẽ mẫu. Tiến hành tra cứu các cơ sở dữ liệu nhãn hiệu của các nước sẽ giúp sàng lọc trước khả năng trùng lặp, gây nhầm lẫn khi phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh sang các nước này mà không phải thay đổi lại nhãn hiệu, biểu tượng của doanh nghiệp đã gây dựng trong nhiều năm trước đó.
Quyền sở hữu trí tuệ chỉ có giá trị trong phạm vi một quốc gia, vùng lãnh thổ nhất định. Nếu chủ đơn được cấp văn bằng bảo hộ tại Việt Nam không có nghĩa là quyền sở hữu trí tuệ này sẽ được thừa nhận ở các nước khác trên thế giới. Do vậy, khi xây dựng chiến lược xuất khẩu sản phẩm sang các nước, cần thiết phải đăng ký xác lập quyền sở hữu trí tuệ tại những nước này và phải thực hiện tra cứu thông tin sở hữu trí tuệ có liên quan đã được công bố tại các nước đó.