Sáng chế là một giải pháp kỹ thuật nhằm giải quyết các vấn đề trong đời sống hàng ngày. Những giải pháp đó khi được ứng dụng nhiều không những tạo ra lợi ích cho cộng đồng mà còn mang lại lợi ích cho người sáng tạo hay nói cách khác là người có quyền đối với giải pháp đó. Quyền đối với sáng chế không được thiết lập dựa trên cơ sở sáng tạo ra mà dựa trên việc đăng ký. Tiến hành thủ tục đăng ký sáng chế càng sớm thì càng đảm bảo được lợi ích của chủ sáng chế cũng như ngăn chặn vi phạm của bên không có quyền. Vậy Ai là người có quyền đăng ký sáng chế, chỉ tác giả của sáng chế hay chủ thế khác cũng có quyền như vậy?
1. Điều kiện bảo hộ của sáng chế
Để đăng ký sáng chế thì cần đáp ứng các tiêu chí sau:
a) Có tính mới
Tính mới của sáng chế được xem xét dựa trên việc liệu sản phẩm, quy trình là đối tượng đăng ký sáng chế đã được bộc lộ, công khai hay chưa. Có thể là các hành vi như bán trên thị trường, quảng cáo trên internet, mô tả trong các nghiên cứu khoa học hay bộc lộ công khai bằng bất cứ hình thức nào khác. Ở một giới hạn nhất định thì pháp luật vẫn cho phép việc bộc lộ công khai sáng chế trước khi đăng ký, cụ thể trong vòng 06 tháng trước ngày nộp đơn, sáng chế không bị coi là mất tính mới nếu:
- Sáng chế bị người khác công bố nhưng không được phép của người đăng ký
- Được công bố dưới dạng báo cáo khoa học
- Được trình bày tại cuộc triển lãm quốc hoặc tại cuộc triển lãm quốc tế chính thức
Như vậy, khi tiến hành thẩm định tính mới thì cơ quan có thẩm quyền sẽ xác định liệu sáng chế có thuộc trường hợp được đăng ký hay không và so sánh đánh giá nếu sáng chế đó có sự khác biệt căn bản với những phát minh đã có khác.
b) Có tính sáng tạo
Sáng chế có trình độ sáng tạo nếu dựa vào các phát minh đã tồn tại kể cả việc chưa bộ lộ công khai, trong phạm vi quốc gia và quốc tế, trước ngày đăng ký bảo hộ thì sáng chế đó phải là kết quả của sự sáng tạo mà những người không có trình độ kỹ thuật với hiểu biết trung bình trong lĩnh vực kỹ thuật tương ứng không thể tạo ra một cách dễ dàng.
c) Có khả năng áp dụng công nghiệp
Mục đích của việc tạo ra sáng chế là nhằm giải quyết những vấn đề thiết thực trong đời sống vì thế nếu một phát minh được tạo ra nhưng không thể được sử dụng để tiến hành sản xuất công nghiệp, thủ công nghiệp thì sáng chế đó không được coi là có khả năng áp dụng công nghiệp cũng như mất đi đặc tính hữu ích của nó. Do đó không thể là một đối tượng để đăng ký bảo hộ dưới dạng sáng chế
2. Ai có quyền đăng ký sáng chế tại Việt Nam.
Cá nhân, tổ chức khi đăng ký sáng chế, cần đáp ứng các điều kiện sau đây:
- Tác giả, người tạo ra sáng chế bằng cách sử dụng trí tuệ và năng lực tài chính của riêng mình
- Tổ chức, cá nhân thuê hoặc giao cho người khác thực hiện công việc sáng tạo bằng chi phí, phương tiện vật chất của mình
- Cá nhân, tổ chức cùng hợp tác để tạo ra hoặc đầu tư cho công việc sáng tạo có quyền đăng ký sáng chế với điều kiện việc đăng ký phải được sự đồng ý của tất cả các bên.
- Trường hợp, sáng chế được tạo ra do sử dụng toàn bộ cơ sở vật chất – kỹ thuật, kinh phí từ ngân sách nhà nước thì quyền đăng ký sáng chế thuộc về Nhà nước. Và tổ chức, cơ quan giao quyền chủ đầu tư có trách nhiệm đại diện Nhà nước thực hiện quyền đăng ký sáng chế;
- Trường hợp sáng chế được tạo ra trên cơ sở Nhà nước góp vốn thì một phần quyền đăng ký sáng chế tương ứng với tỷ lệ góp vốn thuộc về Nhà nước. Tổ chức, cơ quan nhà nước là chủ vốn đầu tư của Nhà nước có trách nhiệm thực hiện phần quyền đăng ký sáng chế;
- Trường hợp sáng chế được tạo ra trên sự hợp tác nghiên cứu – phát triển giữa tổ chức; cơ quan nhà nước với tổ chức; cá nhân khác; nếu thoả thuận hợp tác nghiên cứu – phát triển không có quy định khác thì một phần quyền đăng ký sáng chế tương ứng với tỷ lệ đóng góp của tổ chức, cơ quan nhà nước trong việc hợp tác đó, thuộc về Nhà nước. Tổ chức, cơ quan nhà nước tham gia hợp tác có trách nhiệm đại diện Nhà nước thực hiện quyền đăng ký sáng chế.
- Người đã được chuyển giao, thừa kế quyền đăng ký từ chính người có quyền đăng ký tông qua hợp đồng thể hiện bằng văn bản.
3. Một số trường hợp cần lưu ý
a) Cá nhân, tổ chức nộp đơn không có địa chỉ hoặc hiện diện thương mại tại Việt Nam
Trong trường hợp này, người nộp đơn phải thông qua đại diện để tiến hành thủ tục đăng ký
b) Trường hợp tác giả là nhân viên của công ty
Trong trường hợp có thỏa thuận về việc tạo ra phát minh thuộc về công ty thì công ty sẽ là người có quyền đăng ký sáng chế mà không phải là tác giả của sáng chế – nhân viên công ty.
c) Trường hợp đăng ký sáng chế của bên gia công và thuê gia công.
Tương tự như trường hợp trên, bên gia công sẽ chỉ được coi là người tạo ra sáng chế mà không có quyền đối với sáng chế đó dựa theo hợp đồng thuê gia công giữa hai bên
d) Trường hợp chủ sở hữu là công ty nước ngoài, chuyển quyền đăng ký cho công ty con tại Việt Nam
Quyền đăng ký sẽ thuộc công ty con ở Việt Nam dựa theo hợp đồng chuyển quyền đăng ký giữa hai bên và việc chuyển quyền như vậy phải được xác thực bởi cơ quan có thẩm quyền.